LỜI TỰA

Thấm thoát mà đã 2 năm, kể từ khi những cánh chim Hòa Bình lưu lạc khắp vùng đất nước tìm về tổ ấm ngày xưa để nối lại tình thân.

Phải nói rằng, quyết định gầy dựng lại mối dây liên kết anh em Cựu Chủng sinh Đại Chủng Viện Hòa Bình Đà Nẳng bằng sự kiện tổ chức lần Hạnh Ngộ đầu tiên tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Đà Nẳng từ ngày 27/7/2017 – 30/7/2017 là một quyết định mang tính cách lịch sử của Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long nói riêng và của một số linh mục đồng môn nhiệt huyết nói chung. Con số khởi đầu trong lần Hạnh ngộ đó tuy nhỏ nhoi, 24 anh em, nhưng nói lên được một điều cốt lõi là tự trong thẳm sâu trong đáy lòng của mỗi người, ngọn lửa tình đồng môn vẫn còn âm ỉ cháy dù trải qua 42 năm chia cách.

Cũng từ đó, những sợi dây đứt rời được thắt nối trở lại để càng ngày cái tình đồng môn được hâm nóng lại và bền chặt thêm. Tập Kỷ yếu ra mắt trong cuộc Hạnh Ngộ lần 2 này mong muốn gửi đến anh em đồng môn những kỷ niệm trong 2 năm qua, những đóm lửa đang dần dần sưởi ấm lại tình thân dù chúng ta đang sống rải rác khắp mọi miền.

Nguyện xin Thiên Chúa ban nhiều hồng ân cho tình yêu của chúng ta.

BAN BIÊN TẬP
CÁC SỰ KIỆN CỦA GIA ĐÌNH CCS. ĐCV. HÒA BÌNH TỪ NGÀY 27/7/2017 – 8/7/2019

27/7/2017: Cuộc hạnh ngộ đầu tiên sau 42 năm chia cách bắt đầu. Tham dự gồm có 24 anh chị em từ Hưng Hóa, Sài Gòn, Phan Rang, Nha Trang, Qui Nhơn, Đà Nẳng và Huế. Trong 3 ngày, anh chị em dành thời giờ để bầu ra Ban Đại Diện, phác họa chương trình và phương thức hoạt động, nối kết. Ngoài ra anh em cũng dành thời gian đi thăm lại Trường xưa, Viếng Đức Mẹ Trà Kiệu, thăm mộ Đức cha Phêrô Phạm Ngọc Chi, Đền Thánh An Rê Phú Yên tại Phước Kiều và Phố cổ Hội An.

Thánh lễ tưởng nhớ Ân sư và đồng môn Tại Nhà nguyện Trung Tâm Mục Vụ GP. Đà Nẵng


Thăm lại trường xưa: ĐCV.Hòa Bình tại Hòa Khánh

Nhà thờ Chính tòa GP. Đà Nẵng

Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ Trà Kiệu – GP.Đà Nẵng
30/7/2019: Bế mạc. Quyết định cuộc Hạnh ngộ lần 2 sẽ được tổ chức ở Sông Cầu – Phú Yên vào mùa hè năm 2019.


17/10/2017: Tại Nhà thờ GX. An Nhơn – Gò Vấp, lễ giỗ cha An Di Phạm Năng Tĩnh được tổ chức với sự tham dự 50 môn sinh của Đại Chủng Viện Hòa Bình Đà Nẵng và Tiểu Chủng Viện Thánh Gioan Đà Nẵng. Cha Phêrô Trần Kim Phán (K.1 ĐCV. Hòa Bình) làm chủ tế.


Thăm mộ Cha Cố GĐ An Di Phạm Năng Tĩnh

2/11/2017: Cụ Phêrô Lê Thiêm – thân phụ anh Phêrô Lê Mến (HB2) – được Chúa gọi về tại Tuy Hòa.

10/11/2017: tại GX. Xuân Khánh thuộc GP Xuân Lộc, họp mặt mừng cha giáo Đa Minh Trần Thái Hiệp, tưởng nhớ và cầu nguyện cho các Ân sư và đồng môn đã qua đời. Tham dự có 50 thành viên.



Nhân dịp này, Đức cha An Phong và một số anh em Hòa Bình ghé thăm cha giáo Phêrô Nguyễn Châu Hải đang nghỉ hưu tại Dòng Thánh Thể - Khiết Tâm – Thủ Đức. Đức cha An Phong đại diện các môn sinh đã gắn huy hiệu Đại Chủng Viện Hòa Bình cho Ngài.


20/12/2017: Đại diện CCS. ĐCV. Hòa Bình đi thăm Cha Petrus Hồ Mạnh Tín (HB3) đang bắt đầu điều trị ung thư tại BV. Chợ Rẫy.



5/1/2018: Ban đại diện đi viếng Ông Micae Huỳnh Xuân Cảnh, thân phụ của anh Phêrô Huỳnh Xuân Thượng (HB2) được Chúa gọi về tại GX Hải Sơn – Bà Rịa Vũng Tàu.


1/2/2018: Bà Cố Annê Trần Thị Vững – thân mẫu cha Bênêđictô Nguyễn Phi Hành (K.1) – được Chúa gọi về tại GX.Thọ Lộc – GP.Xuân Lộc.

4/5/2018: Lúc 9:00 tại Trụ sở Dòng Thánh Thể - Khiết Tâm – Thủ Đức, Cha Giáo Phêrô Nguyễn Châu Hải (SSS) được Chúa gọi về - Hưởng thọ 102 tuổi, 72 năm Hồng ân Linh Mục. Thánh lễ an táng được cử hành vào lúc 7g00, Thứ Hai, ngày 7/5/2018 tại nhà thờ GX.Khiết Tâm do Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân, chủ tế. Cùng đồng tế có các linh mục môn sinh thuộc ĐCV.Hòa Bình như cha Giuse Nguyễn Cao Nguyên (K.1),  Giuse Nguyễn Huy Điệp (K.3), Cha Phêrô Trần Đức Cường (K.3)…Cha Giáo được an táng tại Đất Thánh Khiết Tâm. Đông đảo môn sinh của Cha giáo thuộc ĐCV. Hòa Bình vùng Sài Gòn cũng đến viếng tang, cầu nguyện và tiễn đưa Cha Giáo đến nơi an nghỉ cuối cùng.


Anh em Hòa Bình để tang Cha giáo Phêrô

Cha Giuse Nguyễn Huy Điệp (HB3) đồng tế trong Thánh lễ an táng Cha giáo Phêrô
14/7/2018: Đức cha An Phong và anh em Hòa Bình chúc mừng đám cưới con gái của Phan Đình Thi - Ngô Thị Bạch Tuyết


4/9 – 10/9/2018: Đoàn anh chị em CCS ĐCV. Hòa Bình khởi đầu chuyến Hành hương Tây Bắc:

Hội quân tại Sân bay Nội Bài
Anh chị em trao tặng học bổng cho các cháu H’Mong đang lưu trú tại lưu học xá của GX.Sapa


5/9/2018: Tại Giáo họ Hầu Thào - Sapa, anh chị em trong đoàn cùng bà con giáo dân H’Mong cùng tham dự thánh lễ do 2 linh mục của đoàn là Antôn Nguyễn Huy Điệp và Phaolô Ngô Thanh Sơn dâng.


Cùng giáo dân và các em bé H’Mong – Giáo họ Hầu Thào
Sau đó đoàn lên đường đi Lai Châu.

Nhà nguyện Tuy Phong – Lai Châu
6/9/2018: Đoàn đi Mường Lay - Điện Biên Phủ. Tại GX.Điện Biên, Đoàn cùng Đức cha tạ ơn năm Hồng Ân Giám Mục của Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long (6/9/2013 – 6/9/2018).

Thánh lễ Tạ ơn 5 năm Hồng ân Giám Mục của Đức cha

Hoa, bánh và quà Đoàn mừng Đức cha

Trao học bổng cho các cháu H’Mong đang lưu trú tại lưu xá GX.Điện Biên

Tiệc mừng Đức cha
7/9/2018: Đoàn tham quan đồi A1 Điện Biên Phủ


Rồi sau đó, Đoàn lên đường đi Sơn La -Sông Mã- Huổi Một.

Giáo điểm Sơn La – Tư gia cháu cha giáo Phêrô Trịnh Thiên Thu

Thánh lễ tại GX.Huổi Một – Sông Mã
8/9/2018: Đoàn đi Mộc Châu – Châu Sơn

Thánh lễ tại GX. Mộc Châu

Thánh lễ cùng Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt tại Đan Viện Châu Sơn – Ninh Bình

Tâm tình cùng Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt
9/9/2018: Đoàn thăm Nhà thờ Đá Phát Diệm –Thăm Đức cha Giuse Nguyễn Năng – Thăm Trung tâm hành hương Các Thánh Tử Đạo ở VN tại Nhà thờ Sở Kiện – Tổng Giáo Phận Hà Nội


Thăm Đức cha Giuse Nguyễn Năng – GP.Phát Diệm
10/9/2018: Kết thúc chuyến Hành hương Tây Bắc (XIN XEM PHẦN NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG TÂY BẮC)


27/9/2018: Đức cha An Phong và anh em Hòa Bình cầu nguyện cho con gái anh Nguyễn Cang (HB1) sắp kết hôn.



19/11/2018: Các môn sinh mừng Ngày Ân sư cha giáo Đa Minh Trần Thái Hiệp.

13/2/2019: Thánh lễ mừng 55 hồng ân Linh mục của cha giáo Đa Minh Trần Thái Hiệp được tổ chức tại GX.Xuân Khánh – GP.Xuân Lộc, do Đức cha An Phong chủ tế. Tham dự có Phan Ngọc Hùng (Ban đại diện CCS.ĐCV.Hòa Bình) và các môn sinh khác vùng Long Khánh-Cù Bị.



19/3/2019: Ban Đại diện CCS.ĐCV.Hòa Bình gồm vợ chồng anh Phan Đình Thi-Ngô Thị Bạch Tuyết, anh Phan Ngọc Hùng cùng với vợ chồng anh Ngô Vương Thành (HB1) - Đỗ Thị Hạnh từ Mỹ về, tháp tùng cùng phái đoàn CCS.TCV. Thánh Goan Đà Nẳng, đi Vinh chúc mừng Đức cha An Phong vừa nhậm chức Giám Mục Tông Tòa GP.Vinh.


26/4/2019: tại nhà thờ GX. Khiết Tâm, Đức cha An Phong Nguyễn Hữu Long chủ tế thánh lễ tưởng niệm 1 năm ngày Chúa gọi về của cha Giáo Phêrô Nguyễn Châu Hải. Trước Thánh lễ, các môn sinh CCS ĐCV Hòa Bình của Cha giáo đã đến viếng mộ Ngài và Cha giáo Phêrô Trịnh Thiên Thu tại Đất Thánh Khiết Tâm.


Viếng mộ Cha giáo Phêrô Nguyễn Châu Hải
ƠN GỌI VÀ NHỮNG CUỘC HÀNH TRÌNH 

Vào một ngày cuối tháng năm vừa qua, khi lên thăm trang facebook, tôi đã thấy hình ảnh, và đọc một câu truyện thật cảm động bên Ba Lan: Thầy Michael Los, 31 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại chủng viện Thánh Luigi Orione. Thầy ước muốn được trở thành linh mục và cử hành thánh lễ đầu tiên trước khi gục ngã vì căn bệnh ung thư. Với ân ban của ĐTC Phanxicô, ngày 24.05.2019, Đức Cha Marek Solarchot đã chủ sự thánh lễ truyền chức ngay trong phòng bệnh của thầy. Đầu tiên là nghi thức phong chức phó tế, sau đó là chức linh mục, cùng đồng tế có các linh mục trong cộng đoàn Orionine Fathers, và những người thân thuộc trong gia đình. Sau thánh lễ, Tân linh mục Michael Los đã tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện cho ngài. Tân linh mục đã ban phép lành đầu tay cho tất cả mọi người: Đức Giám mục, các linh mục đồng tế, và những người thân. Câu truyện vẫn chưa hết: Nhân sinh nhật lần thứ 31 của tân linh mục vào ngày 7 tháng 6 vừa qua, Tổng thống Balan đến thăm và quỳ gối xin phúc lành của cha.

Câu truyện này vốn đã hay, nhưng đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi vì một sự trùng hợp mà tôi sẽ kể… Sau ngày Đại Chủng viện Hòa Bình giải thể vào tháng 03 năm 1975, các thầy của ba lớp triết học đã trở về giáo phận gốc của mình  (Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Ban Mê Thuột và Kon Tum). Mỗi giáo phận có một số phận và hoàn cảnh riêng. Đối với giáo phận Qui Nhơn,  những anh em cựu Hòa Bình tiếp tục sinh hoạt với giáo phận đã được phân bổ đi giúp xứ ( HB 2: Nguyễn Công Từ, Lê Văn Phú, Nguyễn Sao; HB 3: Trần Thanh Long, Nguyễn Kim Sơn, Huỳnh Anh Dũng ), còn lại bao nhiêu đi làm rẫy tại khu núi rừng Long Mỹ ( HB 1: Lê Quang Nhu; HB 2: Lê Tấn Hùng, Trần Văn Tâm, Nguyễn Văn Toàn, Huỳnh Xuân Thượng, Văn Quang Trúc; HB 3: Nguyễn Huy Điệp, Trịnh Văn Hồng, Trần Công Huấn, Phùng Khắc Thảo, Hồ Bá Tánh ). Trung tâm Long Mỹ cách Tòa Giám Mục Qui Nhơn khoảng 30 km, nằm giữa vùng rừng núi thâm u. Các thầy được giao cho khoảng 5 mẫu đất để trồng lúa rẫy và các loại đậu, bên cạnh một con suối có nước chảy quanh năm. Lần đầu tiên đến ở rừng núi, ban ngày thì vắng vẻ, ban đêm hoang vu đến rợn người, lại còn nghe vùng này đêm đêm cọp hay về, còn heo rừng thì u ê, chúng tôi như luôn trong tình trạng “ẩn mình chờ chết”. Vì thế, ban ngày chúng tôi đi thu gom củi khô chất thành đống ở giữa sân, để khi đêm xuống là đốt lửa ngăn cọp về quấy phá. Cả tuần chỉ mong mau đến thứ bảy, chúng tôi được về nhà thờ Phú Thạnh trong thị trấn Phú Tài, hậu phương của chúng tôi, để đi lễ Chúa Nhật, và hưởng bầu khí thị thành. Đức Cha Phaolô cũng sốt ruột, nên hầu như cứ mỗi tuần đi xe Land Rover lên thăm các thầy,  chở theo đồ thăm nuôi ( gạo, cá khô, mắm, dầu…). Còn du kích thì vài ngày lại thấy đến kiểm tra. Mà kiểm tra là phải, vì đương không, có một nhóm thanh niên, tướng tá sỹ quan, cốt cách như thư sinh, lên đây với danh nghĩa đi lao động, hay lại là… Thật vậy, chỉ sáu tháng sau, Đức Cha đã vội vã thu quân để bảo toàn lực lượng. Trong thời gian lao động ít ỏi này, chúng tôi chẳng làm được gì nhiều: lúa thì chưa đến mùa gieo trồng, chỉ làm cỏ được một ít đất để trỉa bắp và đậu phụng. Nhưng về khoản đậu phụng giống thì bị thiếu, mà chúng tôi khó ăn khó nói. Chả là vì tối tối ngồi nhìn đống lửa cháy bập bùng, tự nhiên thấy buồn miệng, thế là lấy đậu phụng giống ra rang để nhâm nhi và canh  cọp!!!. 

Cuối năm 1975, chúng tôi được lệnh “rút quân” về chủng viện Làng Sông, nhập chung với các thầy dưới một lớp đã ở đó trước sáu tháng. Nhưng lúc này, quân số của nhóm Long Mỹ đã không toàn vẹn như ban đầu: Lê Tấn Hùng, Nguyễn Văn Toàn và Huỳnh Xuân Thượng đã sang ngang. Sau ba tháng ở Làng Sông, Lê Quang Nhu được chuyển lên trung tâm Vi Nhân với các thày đã học ở ĐCV Xuân Bích Huế; Hồ Bá Tánh đi trung tâm Mằng Lăng. Trong lúc đó, Lê Văn Phú và Trần Thanh Long đang giúp xứ, cũng đã chuyển hướng. 

Giáo phận Qui Nhơn có 04 trung tâm tập trung các thày. Sau đây là danh sách số sót của 3 lớp HB tại các trung tâm: Vi Nhân: Lê Quang Nhu, HB 1; Mằng Lăng: Hồ Bá Tánh, HB 3; Làng Sông: HB 2: Nguyễn Công Từ, Nguyễn Sao, Trần Văn Tâm, Văn Quang Trúc. HB 3: Nguyễn Huy Điệp, Trịnh Văn Hồng, Trần Công Huấn, Nguyễn Kim Sơn và Phùng Khắc Thảo. Trong 04 trung tâm của các thày Qui Nhơn, anh em cựu Hòa Bình tập trung đông nhất tại Tiểu chủng viện Làng Sông ngày xưa, mà vì thời cuộc, nay đã trở thành Đại Chủng Viện Làng Sông.

Trong khi trung tâm Vi Nhân học và sản xuất mì số 8, Mằng Lăng lao động trên ruộng đồng, thì tại Làng Sông vừa học vừa lao động: ngày làm ruộng, tối đi đón tôm cá tại bờ cá rộng khoảng 02 mẫu tây, theo phương châm “lao động là vinh quang”.

Khủng hoảng tinh thần của chúng tôi khi đó là: Phải dung hòa lao động trí óc và chân tay, trong một tương lai mịt mù về Ơn gọi làm linh mục, chưa kể những khó khăn về cuộc sống…

Làm ruộng thì có vụ mùa, làm thủy sản thì ngày đêm nào cũng phải chia phiên đi canh và đón bờ, ngoài thời gian lao động thì tiếp tục học triết và thần, do các cha đàn anh chỉ lại.

Trong thời gian này, có thêm một số anh em đã dừng bước giang hồ: HB 1: Lê Quang Nhu; HB 2: Trần Văn Tâm, Nguyễn Sao, Văn Quang Trúc; HB 3: Huỳnh Anh Dũng, Trịnh Văn Hồng, Hồ Bá Tánh. Đến năm 1982, khi các thày được coi là đã mãn chương trình Đại Chủng Viện Qui Nhơn, anh em Hòa Bình bây giờ chỉ còn 05 người tại Làng Sông: HB 2: Nguyễn Công Từ; HB 3: Nguyễn Huy Điệp, Trần Công Huấn, Nguyễn Kim Sơn và Phùng Khắc Thảo.

Tại Làng Sông, sau khi các thày đã mãn trường, mà việc chịu chức thì xa xăm biền biệt, Đức Cha Phaolô đã thường lên thăm, an ủi các thày. Có một lần,với ánh mắt trìu mến và cảm thông, ngài nói: “Các con đừng nản lòng, cứ tiếp tục kiên trì, nếu khó khăn quá thì cha sẽ phong chức linh mục cho các con trước khi chết”. Chúng tôi hiểu ngay đây chỉ là một lời hứa đậm tình thương mến, nhưng lúc đó đã nâng đỡ chúng tôi rất nhiều. Câu truyện của tân linh mục Michael Los ở trên đã làm tái hiện câu truyện của chúng tôi lúc đó. Bốn trong năm anh em chúng tôi đã được chịu chức: 03 Linh mục và 01 Phó tế vĩnh viễn, nhưng phải mất đến nhiều năm về sau…vì chúng tôi đâu có bệnh hiểm nghèo như cha Michael Los!!! 

Bên cạnh lời hứa này, để giải tỏa tâm lý các thày, Đức Cha đã cho chúng tôi chọn một trong ba phương án để tiếp tục Ơn gọi: 1- Tiếp tục ở lại đây để lao động và chờ chịu chức; 2- Về sống với gia đình chờ thời cơ thuận tiện; 3- Xin chuyển đổi đến giáo phận nơi gia đình đang sống. Đức Cha cho ba ngày để suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định. Hết kỳ hạn, “Bác” Từ chọn phương án 01: ở lại, bốn người lớp HB 3 chúng tôi chọn phương án 2: về với gia đình. Không ai chuyển đổi giáo phận. 

Nhưng trước khi người đi kẻ ở, Đức Cha đã quyết định trao hai tác vụ Đọc sách và Giúp lễ cho những thầy nào xin. Toàn bộ anh em  cựu Hòa Bình đã làm đơn xin lãnh tác vụ. Thánh lễ trao hai tác vụ đã diễn ra trong âm thầm lặng lẽ, tại phía sau nhà nguyện của Tòa Giám Mục, nơi để hài cốt thánh Anrê Kim Thông,. Hiện diện chi có Đức Cha chủ sự, hai cha giám đốc và quản lý ĐCV Làng Sông đồng tế, và những thầy lãnh tác vụ. Đến bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn nhớ bầu khí thật xúc động. Lãnh tác vụ thôi, nhưng tôi thấy như mình đã được chịu chức Linh Mục… Sự xúc động cũng chẳng khác mấy khi so sánh với trường hợp của tân Linh mục Michael Los. Vì đây là dấu chỉ khai mở cho dấu ấn về Ơn gọi, tuy hành trình còn dài và đầy chông gai… 

Giải pháp “Ba D” này cũng chỉ kéo dài được sáu tháng, khoảng tháng 08/ 1983, toàn bộ chúng tôi lại được triệu tập về Làng Sông để cùng chấp hành một giải pháp chung kết: Giải thể ĐCV Làng Sông. Đây là giải pháp từ phía xã hội: Trong khi chờ các ĐCV miền mở cửa, các “chủng viện địa phương” giải tán. Các chủng sinh về sống với gia đình chờ ngày chiêu sinh. Đối với những anh em chọn giải pháp 02, đây là cơ hội tiếp tục con đường mình đã nhắm tới. Nhưng đối với những ai đã chọn ở lại, thì quả là một khủng hoảng. Đi về đâu hỡi em?!...

Mùa hè năm 1983, số sót bốn anh em Hòa Bình – Qui Nhơn tại trung tâm Làng Sông đã chia tay mỗi người một nơi. Theo giòng thời gian, Nguyễn Kim Sơn, Phùng Khắc Thảo và Trần Công Huấn đã rời khỏi quê hương để tìm vận hội mới. Thảo đã lập gia đình, hiện đang sống tại Canada. Như vậy,  Nguyễn Kim Sơn thụ phong Linh mục tại Mỹ, Nguyễn Công Từ chịu chức Linh mục thuộc giáo phận Long Xuyên, Trần Văn Tâm nhập giáo phận Nha Trang và chịu chức Linh mục tại đây. Nguyễn Huy Điệp thuộc hàng Linh mục  giáo phận Qui Nhơn, Trần Công Huấn lập gia đình và trở thành Phó tế vĩnh viễn tại Mỹ…

… Sau 45 năm tuyệt tích giang hồ, hình ảnh ĐCV Hòa Bình đã được gợi lại. Khởi sự là vào ngày 20.04.2017, tại cuộc họp mặt tại nhà anh Công Long ở Nha Trang, cha Ngọc Anh đã đề nghị, được sự động viên Đức Cha Anphong, anh em Hòa Bình đã bắt đầu tìm lại nhau và lần bước về nguồn cội, để hình thành “Gia đình anh em CCS/ĐCV/Hòa Bình Đà Nẵng”. Và  đến hôm nay, tuổi đã lên hai./. 

Sông Cầu ngày 15.06.2019

Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp, HB3
AN BÀI – TỰ DO – KẾT QUẢ 

Tấm vải cuộc đời được dệt bằng những gặp gỡ buồn vui lẫn lộn, qua nhiều chặng – đời tu và đời thường! Lúc thì hăng hái quyết tâm lên đường làm lại, khi thì thở than “Chúa ở đâu rồi, con cô đơn quá …!” Sau nhiều thăng trầm, nổi trôi, tôi nghiệm ra một điều, mà khi ngộ ra thì đã trễ: An bài – Tự do – Kết quả.

***

AN BÀI. Mỗi người là một cá thể độc đáo của Thiên Chúa, là một tác phẩm không trùng lắp trong muôn ngàn tác phẩm. Mặc dù khoa học và y học tiến bộ một bước dài, đã lập được mẫu số chung của máu người thành những nhóm A, AB, O … khá thuyết phục, xếp con người vào những cung hoàng đạo hòa hợp hoặc xung khắc nhau … theo ngày sinh tháng đẻ với nhiều giải thích ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai và vận mệnh sinh tử của không ít người, sự đồng dạng của các chứng bệnh – nguyên nhân, diễn biến, và kết thúc. Từ đó tìm ra phương thức ngăn ngừa điều trị … ! Nhưng không ai có thể giải thích lý do tại sao anh thuộc nhóm A, còn tôi thì bị xếp vào nhóm B+ …! Những đầu óc vô đạo hài lòng và tự hào với lời giải thích “di truyền”. Tại sao có di truyền? Tác giả của hiện tượng di truyền là ai? Vẫn còn bỏ ngỏ. Còn về hoàng đạo, tại sao chị có sao chiếu mệnh là Thiên xứng, còn anh thì ưu ái được sao Cự giải độ trì ?! Hoặc cùng chào đời cùng ngày, cùng một nơi … nhưng đường đời mỗi người lại mỗi khác! Chỉ cần quan sát dấu vân tay, chỉ tay, bạn và tôi cũng đã phải ngỡ ngàng. Một danh họa đại tài khắc họa ra vô số tác phẩm với phong phú kiểu dáng và đa dạng sắc màu vẫn không dám tự nhận mình không bao giờ trùng lắp. Văn sĩ hay thi sĩ tài ba với tên tuổi lưu danh hậu thế chắc chắn cũng có cảm giác tương tự. Nhưng Thiên Chúa thì không. Với khoảng 4 tỷ người hiện nay trên thế giới, người ta vẫn chưa phát hiện được có 2 dấu vân tay trùng nhau. Rất là huyền nhiệm! Các chỉ tay ngắn dài, sâu cạn, đậm nhạt trên mỗi bàn tay – tại sao – vẫn còn là một nghi vấn chưa có lời đáp thỏa đáng! Phải chăng đó là những dấu chỉ cho tuổi thọ dài ngắn, công danh thành đạt hay thua lỗ, lận đận vướng mắc hay thanh thản hanh thông … ! Các công trình miệt mài nghiên cứu, dày công tham khảo cũng chỉ đọc được và giải thích một cách xuôi tai phần nhỏ trong vô vàn những bí ẩn như thế. Những khắc khoải đó chỉ được an nghỉ khi chấp nhận theo kiểu nói của dân gian rằng “mỗi người đều có số”! Số của anh và số của tôi không giống nhau dù chúng ta có nhiều thứ trùng nhau! Tác phẩm càng được ấp ủ lâu ngày dài tháng, càng được gọt dũa trau chuốt, thì càng cao cả, càng độc đáo, và càng có giá trị. Trong các tạo vật của Tạo Hóa, của Thiên Chúa, thì không một tạo vật nào cao quí hơn con người được, vì “Ta sẽ tạo nên con người giống hình ảnh Ta.” ( Sáng thế 1, 26 – 27 ). Thật là cao quí và sang cả! Chúng tôi gọi đó là sự An Bài của THIÊN CHÚA.

Thật vậy, cuộc đời mỗi người, trước khi được hình thành cho đến khi trở về với cát bụi, dường như đã được sắp sẵn, đã được lập trình từ muôn thuở. Anh và tôi chỉ đến để thực hiện cái chương trình đã có sẵn đó. Đi đâu, ở đâu, làm gì, kiến thức, sự nghiệp, tuổi thọ dài ngắn … của từng người – từng cá vị độc đáo – đều đã được định sẵn.

Mỗi phần số đều có điểm xuất phát và đích đến. Suốt quảng đường dài ngắn đó, lại được dự trù cho những phương tiện phong phú để đạt đến đích một cách viên mãn.

Mỗi phần số cùng những phương tiện được cấp phát miễn phí, nhưng không phải là không có điều kiện – phải có trách nhiệm khai thác, phát huy, sinh lợi ra từ phần vốn được cấp phát, để đến mùa gặt thì hoàn trả lại cả vốn lẫn lời cho Chủ cấp phát, đồng thời phải có trách nhiệm với anh em đồng loại, nói cách khác “mỗi người đều phải lãnh một sứ mạng” khi hiện hữu trong trần gian! Không ai được vô tư “chôn giấu nén bạc được cấp phát”, để bị chê là “biếng nhác” …

Ai cũng có số, đã được lập trình, thế thì tại sao chẳng ai biết được những diễn biến của lập trình đó, thành bại của tôi dường như tùy thuộc vào tôi, đến mức độ mà chẳng phải không có cơ sở khi không ít người, nhất là giới trẻ, sinh viên hiện nay tự hào là “tôi làm chủ cuộc đời của tôi, sống chết là tùy tôi …!” Nói cách khác, mỗi người có quyền sống theo cách mình muốn. Đó là TỰ DO! Ai cũng có tự do!

***

TỰ DO được hiểu là muốn làm gì thì làm, muốn ở đâu tùy ý, giờ nào ăn và lúc nào ngủ, ngủ thành mấy giấc trong ngày … ! Dường như đúng vậy! Trước ngã ba đường, chọn bên trái, hoặc rẽ bên phải là quyền của tôi, không ai cản được, và dường như không ai có quyền cản! Có vẻ hợp lý!

Sau khi hoàn thành một tác phẩm vừa ý tâm đắc, tác giả luôn muốn đặt nó vào một chỗ phù hợp, xứng đáng nhất cho nó. Vị trí này đã được đoán định một cách cụ thể trong tâm trí của tác giả trước khi tác phẩm hoàn thành. Được đặt vào đúng vị trí đã định từ trước không làm giảm giá trị của tác phẩm mà chỉ ngược lại, tăng thêm và làm rực rỡ hơn mà thôi. Đường nét tác phẩm càng chỉnh chu, càng có vị trí tương xứng. Về sự chỉnh chu tinh xảo, không một tạo vật nào vượt qua tác phẩm con người được! Sự đặt định này sẽ rất viên mãn nếu con người hợp tác tốt.

Như vậy, thực hiện đầy đủ và hoàn hảo sự AN BÀI của Thiên Chúa là chọn lựa tốt nhất để khai thác hết những phương tiện kèm theo, phát huy hết số vốn – khả năng đã được cấp phát miễn phí. Ngày về, “miệng vui ca, tay ôm bó lúa ngào ngạt hương”, ta sẽ được xưng tụng là “đầy tớ siêng năng và tài giỏi, hãy vào hưởng phần thưởng … !”

Nhưng tiếc là không phải mọi tác phẩm đều hiểu được chủ tâm của Tác giả! Nói cách khác làm sao để đọc được sự AN BÀI của Thiên Chúa, dấu chỉ nào cho chúng ta biết được “lập trình sắp sẵn từ ngàn xưa” đó mà thực hiện?

Khi hiện hữu trên đời, mỗi người đã được phú ban cho một năng khiếu – thích lãnh vực này, say mê ngành khác, tự cảm thấy mình phù hợp với một chủ đề chuyên môn – một khuynh hướng, thiên hướng, mà còn được đặt tên là “Ơn Gọi”. Trãi qua tháng ngày, ơn gọi này sẽ dần lộ rõ, và được hỗ trợ bằng những yếu tố có vẻ từ bên ngoài – môi trường sinh trưởng, học tập, đào tạo, và trưởng thành, những nhân vật được giao tiếp với, những ấn tượng, thời điểm, vị trí … v. v. – tất cả dường như khách quan, không do chính mình chủ động sắp xếp, nhưng thật ra tất cả đều nằm trong Chương trình Quan phòng của Thiên Chúa. Đó chính là sự AN BÀI. Đến đích huy hoàng ở mức độ nào, đạt được thành quả tốt đẹp viên mãn tròn trịa cấp mấy là tùy thuộc vào con người, đòi hỏi sự cộng tác của chúng ta. Đó chính là TỰ DO. Trong hết mọi biến cố lớn nhỏ của cuộc đời, luôn luôn xuất hiện ít ra là hai khả năng phải lựa chọn A hay B. Mỗi khả năng đều hàm chứa những thuận lợi và khó khăn, những nhẹ nhàng và phức tạp. Nói cách khác là phải chấp nhận hy sinh một khi đã chọn lựa. Không có thành quả đẹp cho “bắt cá 2 tay”. Tại ngả ba đường, bên trái hay bên phải, đích điểm của mỗi bên không trùng khớp nhau, và không quá khó để nhận ra. Nhưng để đi đến đích, đường đi không giống nhau. Đích điểm càng cao thì đường đi càng gian nan vất vả. Tất nhiên không thể khác được. Chấp nhận hy sinh càng tự giác thì gánh nặng càng nhẹ nhàng, càng được bằng an trong tâm hồn. Đó chính là dấu chỉ của chọn lựa đúng! Một dấu chỉ khác là sự nhẹ nhàng đơn giản trong tiến trình. Nhưng rõ nét nhất là sự thanh thản bằng an trong tâm hồn!

Chọn đúng rồi, còn phải thật tâm trung thành, bền chí, kiên trì theo đuổi, vì đích đến không đơn thuần chỉ là một danh xưng ngắn hạn, mà là cả một đời người, còn cả uy tín, chung thủy cho đến hơi thở cuối cùng! “Ai bền đỗ đến cùng mới được cứu thoát.” Công đức không đặt nền tảng trên danh xưng, càng không trên vẻ hào phóng nguy nga hoành tráng bên ngoài, mà trên sự thành tín thâm sâu bên trong, kiên vững đến cùng. “Cha anh em thấu suốt tất cả sẽ thưởng công cho anh em!”

***

KẾT QUẢ. Như vậy, mỗi người đều có tự do lựa chọn, hoặc A hoặc B. Kết quả được quyết định tùy thuộc vào con người. Chọn A mà muốn kết quả B là phi lý, viển vông không thể chấp nhận được. Nói cách khác KẾT QUẢ là do chính con người quyết định. Con người có toàn quyền chọn lựa và quyết định. Khai thác thiên hướng của mình theo một hướng khác, rẽ lối, sang ngang là tự mình chuốc lấy hậu quả không thể biện minh được. Không thể nói “cống hiến hy sinh như vậy là đủ rồi, bây giờ tôi phải khác đi, phải lo cho cái riêng của chính tôi …!” Vì như vậy chẳng khác nào liều lĩnh phủ nhận trách nhiêm của mình một cách vô ích, không có cơ sở thuyết phục.

Tóm lại, khi sáng tạo vũ trụ, sách Sáng thế còn ghi “Chúa chỉ phán một lời thì có mọi sự – trời đất, bể khơi, sông ngòi, muôn thú … , nhưng để tạo thành con người, Chúa lấy bùn nhào nặn, rồi thổi hơi vào … !” Chúa đã phải ấp ủ, cân đo, đong đếm, tính toán, và sắp đặt … hầu cho con người là một tạo vật hoàn chỉnh nhất, tạo vật thượng đẵng! Con người, mỗi cá thể không là một tầm thường trong Ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa. Chúa còn yêu thương trang điểm cho con người những huy hoàng cùng danh dự mà không tạo vật nào có được. Ngoài ra, mỗi đấng bậc, Chúa còn dự trù và trang bị thêm một cách dư giã những phương thế để mỗi đấng bậc hoàn thành sứ mạng của mình cách viên mãn nhất.

Như vậy, những rẽ lối, sang ngang nửa chừng với bất cứ vì lý do gì đều là những thất tín, bất trung, qui phục những tự ái, tự phụ hão huyền, đều là những liều lĩnh chọn cho mình một kết quả bi đát và buồn thãm. Thực tế không thiếu những minh chứng cụ thể như vậy. Chỉ có con người phản phúc, bội ước chứ Chúa luôn trung thành trong mọi lời Chúa nói – trong mọi Ý định của Chúa – và thánh thiện trong những việc Chúa làm – các công trình của Chúa. Rẽ lối, sang ngang là liều lĩnh lên án sự TOÀN NĂNG của Chúa, khác nào phủ nhận sự AN BÀI đầy yêu thương của Chúa và kết luận “Chúa thật sự đã lầm khi chọn tôi vào thứ bậc đó, trang trí cho tôi bằng những danh dự và vinh quang này!”

Hôn nhân – Ơn gọi sống bậc gia đình – minh họa khá rõ biểu thức AN BÀI – TỰ DO – KẾT QUẢ. Khách quan AN BÀI đẩy đưa đến những tiếp xúc có vẻ tình cờ, rồi trao đổi chuyện trò, đến hẹn hò quen thân … . Đến thời điểm phải kết thúc – nhiều khi không nằm trong kế hoạch cá nhân – đương sự – cả nam và nữ, sau khi đã cân đo, đong đếm thiệt hơn, ưu điểm và khuyết điểm, gia phong, đạo giáo, cá tính, khả năng thích nghi … của các đối tượng, TỰ DO quyết định nhưng chỉ được chọn – chỉ được chấm – MỘT trong danh sách quen thân có thể dằng dặc như tờ sớ Táo quân, với cả sự thành tâm, tự giác thủy chung sẻ chia hết mọi nỗi niềm. Những yếu tố này sẽ là những dữ liệu cho KẾT QUẢ buồn vui, hạnh phúc dẫy đầy hay ngập tràn u uất thãm thê. Những chia tay ly dị – giải phóng con người khỏi hỏa ngục trần gian – chỉ là những ngụy biện cho những tham lam, ích kỷ, những toan tính vô đạo hạ cấp, những vô trách nhiệm mà những ai còn nhân tính, có lương tri hiểu biết lành mạnh không thể chấp nhận được! Thật vậy, những tan đàn xẻ nghé, những chia tay ly dị là hậu quả của những đi ngang về tắt, bắt lửa từ những rẽ lối sang ngang, những phản phúc bất trung thất tín. Đừng qui trách nhiệm cho khách quan! Càng vô đạo chừng nào, càng bi đát thê thảm chừng nấy. Bức tử các mầm sống, giết chết các thai nhi lúc chưa kịp chào đời là một việc làm man rợ mà không một sinh vật nào thể hiện, là tội ác vô cùng tồi tệ trong các tội. Nghịch lý là các tội ác này lại được công nhận, cấp phép và khuyến khích. “Sinh mạng con người là vốn quí” chỉ là chiêu bài mị dân. Tha hóa càng thêm đồi trụy. Trước mắt chỉ có băng hoại và suy đồi! Thực tế đã quá rõ ràng.

Ơn gọi Tu trì lại còn minh họa rõ nét hơn biểu thức trên. Tu sĩ hoặc Linh mục nếu được hiểu là mức đến theo danh xưng của đời tu, thì không đúng, hoặc ít ra là chưa đủ. Bởi vì các danh xưng đó cùng với những danh dự và hào quang kèm theo được trao ban là để phụng sự Bàn Thờ và phục vụ Dân Chúa – trách nhiệm và sứ mạng. Trách nhiệm là nuôi sống Dân Chúa, và sứ mạng là Rao truyền Ơn Cứu Độ! Chỉ hời hợt theo danh xưng là liều lĩnh, là trọng tội. Bởi vì các nghi thức trang trọng để trở thành tu sĩ hay linh mục không bảo đảm cho sự tín trung suốt đời của các vị liên hệ. Thậm chí Thánh chức Linh mục hoặc Vĩnh khấn cũng chưa là những thuốc chủng có khả năng “miễn dịch” đối với các đi ngang về tắt, nếu các đương sự không luôn tự nhắc nhủ mình phải trung thành tự giác với các sinh hoạt đạo đức như Kinh nhật tụng, Chuỗi Mân Côi, Giờ Chầu Thánh Thể, Suy niệm Lời Chúa, và Thánh lễ hằng ngày .. ! Đây là những rào cản thật vững chắc và hiệu nghiệm được minh chứng một cách thuyết phục bởi vô số các gương sống tiền bối. Tự ý và dễ dàng chước giảm bằng những lý lẽ dường như hợp cảnh một cách chủ quan là liều mình chuốc lấy những họa tai thảm bại không khó để thấy trước. Thật là phúc nếu các bẽ bàng, những ngượng ngùng khi phải thi hành các phụng vụ thánh tiếp theo được thành tâm thú nhận và sửa sai tích cực. Hồi tâm, dừng lại, sửa sai là một may mắn, một đại hồng ân. Biện minh cho qua bằng những cần thiết này nọ là việc làm thường thấy. Nguyện xin cho các vị được luôn tín trung trong giao ước của mình từng ngày sống và đến hơi thở cuối cùng. Đã có không ít những nặng nề kéo lê cuộc đời thánh hiến. Rẽ lối sang ngang và cuối cùng là “bỏ ngũ” một cách bẽ bàng không còn là chuyện hiếm gặp. Nguyện cầu cho các vị luôn tìm thấy niềm vui và nguồn nâng đỡ mỗi ngày! Nguyện cầu cho các vị luôn giữ được lửa của những ngày đầu tiên!

Nhìn lại chính mình, chúng tôi cảm thấy vừa xót xa hối tiếc vừa hạnh phúc thanh thản bằng an trong tâm hồn. Hối tiếc vì nai tơ nhẹ dạ, vì lơi lỏng dễ giải khiến Ơn gọi vỡ vụn, để vuột khỏi tầm tay hoài bão ấp ủ từ nhỏ, mặc dù chưa có chức vụ chi đáng kể.

***

Thật vậy, trong chặng trước – đời tu – như nai tơ, tôi đón nhận tất cả mọi biếu tặng lớn nhỏ, vô tư hay với hậu ý, từ con cái đến cha mẹ – lúc thì cái bánh, bịch kẹo, hộp thuốc bỗ từ con cái, khi thì xấp vải may quần hoặc chiếc áo lạnh đan tay tự làm rất vừa cỡ – do chính phụ huynh, hay chính đương sự …! Hẵn là phải có dụng ý! Tôi không quan tâm, cứ vui vẻ đón nhận.

Có trường hợp với áo dài thỉnh sinh – y phục trước năm vào Nhà Tập – đã đến tận Nhà Dòng, lúc đó đang nghỉ hè, gặp tôi, và thực tâm đề nghị “Anh về làm cha đi để em được làm mẹ!” Trường hợp khác lại trách móc “Anh không muốn đời em tùy thuộc vào anh sao?” Không hiếm trường hợp đã liều lĩnh cất công vượt đường xa cùng với quà bánh đến tận chỗ tôi đang ở – giúp xứ, Ký Túc Xá, hoặc tại nhà quê tôi …! Có phụ huynh lại công khai đề nghị với con gái “Nói ổng bỏ tu đi, về mẹ làm đám cưới lớn cho con!” Vị khác trực tiếp nêu “Cả hai nay đã lớn rồi. Thầy thu xếp đưa người lớn đến nói chuyện …” Trường hợp khác nữa lại khẳng định “Số tử vi của em ghi là ‘vượng phu ích tử’ đó.” … nhiều … ! Tôi đã không ý thức rằng, thái độ lơi lỏng và dễ giải tiếp nhận của mình là nguyên nhân khiến cho Ơn gọi hiến thánh trở thành vỡ vụn thê thảm.

Hẵn là các đứa con – các đương sự – đã mô tả về tôi với các cha mẹ của họ bằng những mỹ từ với các cung bậc ngợi ca thán phục có cánh nên các cha mẹ đã xiêu lòng! Tất cả đều cho tôi những kỷ niệm đẹp, mà đến nay, trong thánh lễ và kinh nguyện hằng ngày, tôi vẫn tha thiết xin Chúa bù đắp lại cho từng trường hợp, cho từng bậc cha mẹ vì những hụt hẫng và cả những tổn thương mà tôi đã vô tình hoặc cố ý gây ra bằng cách này hay cách khác! Xin cho tất cả được bằng yên!

***

Ở chặng sau – là sinh viên Đại học, rồi QGHC – tôi lại được gặp gỡ và quen biết thêm nữa – danh sách những xinh đẹp quyến rũ được bổ sung ngày càng dài ra … .

Quen biết thì nhiều, nhưng chương trình AN BÀI của Chúa thì không sao hiểu nổi. Sự việc đến cách nhẹ nhàng, vào thời điểm tôi không ngờ – có chuẫn bị gì đâu – chỉ có thành tâm và ngoan ngoãn theo Thánh Ý Chúa.

Vào một buổi chiều của những ngày sôi sục căng thẳng đầu tháng Năm lịch sử, Ngọc đã đến Ký Túc Xá và thông báo quyết định của gia đình “Phải tổ chức đám cưới vào ngày 20 tháng Năm này … !”

***

Tôi cảm thấy dường như chính Chúa đã quyết định và chọn lựa cho tôi. Chúa đã ưu ái AN BÀI cho chúng tôi phương án B. Niềm vui hạnh phúc nếu không muốn nói là nỗi tự hào của chúng tôi là gia đình nhỏ hiện nay của chúng tôi, với gia tài vô hình mà không phải ai cũng được. Chúng tôi tin rất vững vàng tình thương Chúa vẫn bao trùm lấy chúng tôi. Sống với tâm tình biết ơn và đền đáp mỗi ngày là tâm niệm và thao thức của chúng tôi. Xin cùng cảm tạ Chúa với chúng tôi và thay cho chúng tôi!

Đến nay, tôi không một mảy may hối tiếc cho sự quyết định và lựa chọn này. Xin tạ ơn Chúa muôn ngàn trùng!

Thủ Đức, tháng 07, 2019

Nguyễn Cang (HB1)
KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI

(Tóm lại, thôi thì hãy cho tôi được mơ về những ngày xưa thân ái đó, cho tâm hồn tôi được bềnh bồng trôi dài và trôi mãi cho đến ngày …đi về nơi chúng ta phải về..) PM.HXT

Gần hơn 2 năm nay, tôi đã quyết định rũ bỏ chuyện viết lách vì rất nhiều nguyên nhân mà tôi không thể viết ra đây. Thế nhưng vào chiều tối nay (20/06) huynh trưởng Phan Đình Thi ngỏ ý muốn tôi viết một bài, làm tôi thật là khó nghĩ và cũng khó từ chối. Thế là tôi đành xin viết dưới dạng hồi ức (coi như nhớ lại, hồi tưởng lại, nhớ gì viết nấy, có thể đúng mà cũng có thể sai). Như vậy, không phải lo những lời bình phẩm đúng sai và nhất là không cần phải “tránh né” nếu nhỡ như vô tình đụng chạm tới những điều cấm kỵ (taboo).

Năm nay tôi đã tròn 66. Già thì có thể chưa già lắm, nhưng trẻ thì không còn trẻ nữa rồi. Trí nhớ và sự phán đoán cũng là một dấu chấm hỏi. Nhưng mặc kệ, tôi xin cứ viết ra những gì tôi nghĩ với những kỷ niệm, ấn tượng còn lưu giữ trong lòng về một thời dưới mái trường xưa: Đại Chủng Viện Hòa Bình – nơi, tôi từ một người ngây ngô, không có chút gì là tự tin của anh chàng mới lớn hồi đó, sau này biến thành một người tràn đầy tự tin, tự hào, vượt qua bao là gian khó như tôi bây giờ.

Câu hỏi sẽ được đặt ra là do đâu và vì đâu mà tôi, cũng như những anh em khác trở thành như chúng tôi sau này…

1/ Trước hết về các cha giáo:

Phải nói rõ ràng rằng ấn tượng lớn nhất của tôi là về các cha giáo, là những người mà tôi đã học được rất nhiều và vươn vai trở thành một một người “lớn” nhiều năm sau và cho đến tận bây giờ.

Như các bạn biết đấy, mỗi một thời, mỗi một ấn tượng khác nhau. Thời còn ở Tiểu Chủng Viện, vị linh mục mà tôi ấn tượng nhất là cha linh hướng Nguyễn Cao Hiên (còn gọi là cha Trương). Với ngài tôi tôn sùng như một vị thánh sống (hồi ấy và mãi đến tận bây giờ khi ngài đã qua đời).

Nhưng đến khi bước lên Đại Chủng Viện (ĐCV Hòa Bình), thì người gây ấn tượng lớn nhất cho tôi lại chính là cha bề trên Phạm Năng Tĩnh. Vâng, An Di Phạm Năng Tĩnh, vừa là giám đốc, vừa là cha giáo về giáo sử.

Dù mỗi người đều có những suy nghĩ, nhận định và đánh giá khác nhau, và cũng không hẳn là tôi không biết gì về ngài những năm sau này (sau 30/04/75). Quả là những năm sau này, có những tiếng đồn thổi, điều tiếng này nọ về ngài, nhưng tôi không quan tâm. Vì tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng trước mặt Thiên Chúa ai dám bảo mình là hoàn hảo (là không có tội, kể cả giáo hoàng).

Ấn tượng của tôi đối với ngài là sự thông minh, sự chịu khó học hỏi, khả năng độc lập trong tư duy dám nghĩ dám làm (theo linh hứng của Thánh Thần).

Ấn tượng tiếp theo sắt son đến kỳ lạ, là luôn giữ tấm lòng con thảo đối với mẹ Maria và qua Mẹ để đến với Chúa Giê-su (per Mariam ad Jesum).

Nhưng ấn tượng lớn nhất của tôi đối với ngài phải kể là sự thông thái uyên bác của ngài về nhiều phương diện, cả về lòng đạo đức của ngài (dù đôi khi phảng phất chút mê tín), cả về sự can đảm gan dạ dám nghĩ dám làm của ngài. Có thể có một số người không đồng tình hoặc đồng cảm. Nhưng có hề gì, vì tất cả những điều đó đã làm cho tôi và một số người anh em của chúng tôi trở thành chính mình, như chúng ta bây giờ: đặc biệt hết sức tự hào và hãnh diện vì mang nơi mình hình ảnh (giống) Thiên Chúa, đồng thời vâng nghe và thực hiện những gì Chúa muốn mà kinh thánh đã mô tả.

Lại theo ngày tháng, trải qua biết bao nhiêu lỗi lầm, được Chúa mở mắt cho nhìn thấy những điều mà ngày xưa không thể nhìn thấu được, nhưng trên hết là cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm con Chúa, được giáo dục dưới mái trường Đại Chủng Viện thân thương, được làm một Ki-tô hữu đúng nghĩa.

Nhờ vậy mà sau này, dầu sống dầu chết chúng tôi vẫn phó thác con người và cuộc đời của chúng tôi cho Đức Giê-su mặc cho cuộc đời ra đến đâu thì ra, trôi đến đâu thì trôi…

Ấn tượng tiếp theo là các cha giáo:

Cha Cát thì phớt tỉnh ăng-lê trong mọi sự, lặng lẽ làm tròn việc bổn phận của mình. Cha Đán thì sống nguyên tắc, cái gì cũng nghiêng về lý trí và theo đúng lề luật, bởi vậy mọi người mới ngầm đặt cho ngài cái biệt danh là “reg-lo khô như ngói”(con xin lỗi đã nói phạm đến cha).

Cha Thu thì tuy có hơi “nổ” một tý nhưng lại cho chúng tôi nhiều niềm vui trong giờ học (cười thoải mái).

Cha Hiệp thì mô phạm và hiền lành dịu dàng.

Cha Đăng thì dạy cho chúng tôi sống như một bậc hiền triết, dù trong giờ lớp của ngài đôi khi chúng tôi có cảm giác như ngài xuất thần đi đâu đó…

Rất nhiều và rất nhiều những kỷ niệm và ấn tượng mà tôi không thể nhớ hết và kể hết ra đây. Chẳng hạn như “chó sủa Phước Quang”(cha sở Phước Quang), biệt danh của cha Chung được bề trên mời dạy tiếng “Chung của dzềnh”. Ngài dạy cho chúng tôi tiếng Bắc Kinh, cũng là một trong số những vị linh mục người “Chung của dzềnh” mà chúng tôi rất yêu mến.

Tất cả những điều đó và cả những điều tưởng như hết sức nhỏ nhặt và vô nghĩa ấy đã ảnh hưởng và góp phần hình thành nên con người và tính cách chúng tôi bây giờ cũng như mãi về sau này (không phải hay sao?!).

2/ Thứ hai là các anh em đồng môn lớp trên và cả lớp dưới (vì chúng tôi ở lớp chính giữa hi hi..). Về các anh em đồng môn các lớp 1, 2, 3 thì nhiều chuyện đáng nhớ lắm. Mỗi người hẳn sẽ nhớ một chuyện nào đó cho riêng mình, mà nếu các bạn muốn biết hay nhắc lại, các bạn có thể tìm dịp mà chuyện trò với nhau. Như thế ý nghĩa sẽ đậm đà hơn biết bao. Tiếc là hồi đó chẳng ai chịu ghi chép lại, còn ngày nay thì không ai có tài nào mà ghi nhớ hết được.

Tôi tên Thượng (vần T) nên hồi đó được vinh hạnh sắp xếp ở chung phòng với Lưu Văn Thiên, người địa phận Đà Nẵng. Và từ đây định mệnh đã an bài cho tôi trở nên thân thiết với người anh em xứ Quảng này. Tôi còn nhớ vào những giờ giải lao, tôi hay ôm đàn ghi-ta ngồi hát cho các bạn cùng phòng nghe những bài tình ca lãng mạn cùng điệu bo-le-ro sướt mướt. Chả thế mà có lần gặp những cái lắc đầu, hoặc phê bình thẳng của người anh em đồng môn lớp trên. Là anh Khôi nay là cha Khôi (địa phận Huế) đó! Anh từng nói anh thật không hiểu nổi tại sao đã vào đây (tu) rồi, mà tôi còn còn có thể hát được những bài như thế! (hi hi) Hôm đó tôi hát bài “thu sầu” giọng đàn cung rê thứ vô cùng sướt mướt: “mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ…”. Cũng dễ hiểu thôi, một người con xứ Huế nghiêm túc như anh (lại giỏi nhạc) làm sao mà chịu nổi tình cảm lãng mạn của bài hát này. Nói thế các bạn cũng có thể tưởng tượng ra sự khó chịu trong giọng “Huế đặc” khi nhắc nhở tôi nên nghiêm túc trong vấn đề này. Nhắc đến Huế thì tôi lại nhớ ra một anh bạn đễ thương khác và cũng tương đối thân cùng lớp tên là Nguyễn Hữu Hiến (hiện là linh mục đang truyền giáo ở Nhật), người tương đối rất cảm thông với tôi ở nhiều phương diện.

Nói chung những kỷ niệm với các anh em đồng môn thì không thể nhớ hết được…

Tôi cũng nhớ những ngày “xả trại”, hình như là chiều thứ năm hay ngày Chúa nhật gì đó, được đi ra ngoài ăn mì quảng hoặc bánh cuốn Tiến Hưng ở trên đường nhà thờ chính tòa.

3/ Thứ ba là môi trường giáo dục của Đại Chủng Viện chúng tôi, hồi đó tuy chưa hoàn chỉnh (vì mới thành lập), nhưng nhờ nỗ lực và sự tận tụy của cha bề trên và các cha giáo đã dần hình thành cho chúng tôi một lề lối và nguyên tắc làm việc rất mô phạm và trên hết là tinh thần tự giác của những người phải trưởng thành trước khi muốn làm linh mục.

Ôi những ký ức! Có những lúc nó ủng hộ tôi, nhưng cũng có những lúc nó phản bội tôi khi lẫn lộn mơ hồ giữa quá khứ, hiện tại và cả đến tương lai nữa…

Thôi thì ta hãy cứ mơ về những ngày xưa thân ái đó, cho tâm hồn được bềnh bồng trôi dài và trôi mãi cho đến ngày chúng ta hoàn thành được sứ mạng mỗi người mỗi khác của chúng ta, dù kết thúc có hoàn hảo hay không, thì chúng ta cũng đã cố gắng hết sức rồi.

Thời gian ở Đại Chủng Viện không dài đối với cuộc đời chúng ta, nhưng những lời giảng dạy và tấm gương sống động của các cha giáo đã ảnh hưởng và tác động đến chúng ta không hề ít. Những tư duy đó, những lời nói và gương sáng đi đôi với giảng dạy đó đã vô hình tạo nên trong chúng tôi những suy nghĩ, những thói quen rất tích cực (tinh ý là chúng ta có thể nhận ra).

Những thói quen đó đã dần tạo nên tính cách và số phận của chúng ta ngày hôm nay. Ở đây tôi không có ý đề cập đến thuyết định mệnh, mà thực ra đang nói về sự an bài qua sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự quan phòng đó đã được ngài lập trình từ những điều tưởng như hết sức nhỏ bé: “Suy nghĩ tạo nên hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận. Để đạt được sự thành công hoặc để trở nên người Ki-tô hữu đúng nghĩa, không phải nhờ vận may từ trên trời rơi xuống, cũng không phải tự nhiên có mà cần phải bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất trong công việc và cuộc sống." Những điều đó phải bắt đầu từ trong suy nghĩ của chúng ta, mà những suy nghĩ chúng ta có, hầu hết hình thành nhờ ảnh hưởng và môi trường của giáo dục (mà chúng ta được hưởng), từ những lời giảng dạy của các cha giáo ngày xưa. Ở đây tôi không nhắc đến ơn Chúa, không có nghĩa là phủ nhận, nhưng chúng ta biết ân sủng chỉ đến với những người thiện tâm và nỗ lực hết mình.

Tóm lại, thôi thì hãy cho tôi được mơ về những ngày xưa thân ái đó, cho tâm hồn tôi được bềnh bồng trôi dài và trôi mãi cho đến ngày …đi về nơi chúng ta phải về.

Ainsi-soit-il.

Mừng lễ thánh quan thầy Phê-rô - June 29, 2019

Phê-rô Maria Huỳnh Xuân Thượng (CCS khóa II ĐCV Hòa Bình)
NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG TÂY BẮC
CỦA ANH CHỊ EM CỰU CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN HOÀ BÌNH
NGÀY THỨ NHẤT (04/9/2018): HỘI QUÂN

Đúng 12g30, chuyến bay VJ152 của Vietjet đưa đoàn Sài Gòn gồm 19 người đáp xuống sân bay Nội Bài. Vừa ra khỏi sảnh, chúng tôi đã gặp anh chị em từ các miền chờ sẵn đón tiếp: Lưu Văn Thiên (K.2) và phu nhân Ánh Tuyết từ Đà Nẵng đáp chuyến xe Phương Trang Đà Nẵng – Hà Nội đến Bến xe Giáp Bát vào sáng ngày 4/9 và vào sân bay Nội Bài chờ hội quân; Anh Đặng Văn Anh (K.2) và phu nhân Bích Thuỷ đáp xe lửa từ Huế ra đến Hà Nội vào lúc 4g00 sáng ngày 4/9/2018; Anh Lê Văn Phú (K.2) và chị Hiến đáp xe lửa từ Qui Nhơn ra đến Hà Nội vào 4g sáng ngày 4/9/2018; Anh Đặng Thiện (K.1) đáp chuyến bay VJ150 từ Đà Nẵng đến Nội Bài vào lúc 9g30; Vợ chồng anh Phùng Tâm-Phạm Thị Bắc (K.2) từ Nha Trang sẽ đáp máy bay từ sân bay Cam Ranh lúc 7g10, đến sân bay Nội Bài lúc 9g00; Cha Antôn Nguyễn Huy Điệp và anh Phêrô Huỳnh Anh Dũng vùng Sông Cầu - Qui Nhơn cũng đã có mặt dầu trước đó có trục trặc vì chuyến bay Vietnam Airlines delay, nên phải trả vé để đáp chuyến Vietjet cho đúng hẹn; Cha Phao Lô Ngô Thanh Sơn (K.2) đáp máy bay khởi hành từ sân bay Đà Nẵng ra đến Nội Bài lúc 7g30. Cha Phêrô Nguyễn Quang Vinh (K.2) đang du lịch Sơn Tây- Hà Nội cũng vào Nội Bài để vui với đoàn.

Hội quân tại sân bay Nội Bài
Anh em tay bắt mặt mừng dầu phút khởi đầu có hơi ngập ngừng, bỡ ngỡ vì có nhiều người phải chờ 42 năm mới được trùng phùng nhờ chuyến đi này.

Vừa ra khỏi sân bay, chúng tôi được chiếc xe quen thuộc 29B-194-15 đã từng đưa đoàn Lớp Phao Lô đi Sơn Tây- Ba Vì- Hạ Long- Thái Bình – Nam Định- Châu Sơn trong tháng Ba vừa qua, đón tiếp với tài xế Trung-Sumo vĩ đại.


Tạ ơn Chúa mọi sự “đầu xuôi đuôi lọt”.

Đúng 13g30, xe khởi hành vào đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 265km dọc theo sông Hồng qua 5 tỉnh-thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

Trên xe, anh chị em lại bắt đầu trò chuyện rôm rả. Tình thân lại nối kết như chưa hề có cuộc chia ly 42 năm cách biệt.

14g15: xe ghé lại điểm dừng chân Km.57 (Cao Tốc Nội Bài – Lào Cai, Khu 9, Xã Tiên Kiên, Lâm Thao, Phú Thọ) để ăn trưa.5g00: Tiếp tục lên đường về Lào Cai. Anh chị em ngồi trên xe vẫn náo nức chụp ảnh, quay phim cảnh đẹp dọc theo sông Hồng, ngã ba Bạch Hạc-Việt Trì, nơi hợp lưu giữa sông Lô và sông Hồng. Tôi lại chợt thì thầm bài Trường ca Sông Lô bất hủ của Văn Cao:

“Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u.
Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu
Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước sông Lô xưa”.

17g00: Xe đến thành phố Lào Cai – Ghé vào thăm nhà thờ Cam Đường. 


Ngôi thánh đường này là dự án sẽ trở thành nhà thờ chính toà của Giáo phận Lào Cai tương lai sẽ được tách ra từ GP. Hưng Hoá. Nhớ cách đây 3 năm (2015) đoàn hành hương Tây Bắc của anh em lớp Phao Lô – TCV. Thánh Gioan Đà Nẵng ghé thăm khi ngôi thánh đường đang xây dựng. Bây giờ ngôi tháp của thánh đường đã sừng sững vươn cao trên đồi giữa trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn.

Vì không đủ thời gian nên đoàn bỏ qua dự tính thăm nhà thờ Cốc Lếu của Lào Cai và cửa khẩu Hà Khẩu. Xe tiếp tục vượt đèo Sapa hướng dần về ngọn núi Fanxipan được mệnh danh là “nóc nhà Đông Dương” (3.143m) để về thành phố Sapa. Mới 32km đường đèo, đã có phu nhân bắt đầu xuống sức và say xe khiến “Bộ trưởng Y tế Nguyễn Sao (K.2) của đoàn có việc làm. Tôi thầm lo, đoàn phải còn vượt qua hơn 700km đường đèo dốc cung đường Tây Bắc, trong đó có 2 đèo thuộc loại khó nhai nhất nước của “tứ đại đỉnh đèo” là Ô Quy Hồ (cao 2.073m) và Fadin (cao 1.648m), không biết các “lão phu nhân” có trụ nỗi không? Thôi đành phó thác cho Chúa vậy.

19g00: Mọi người như tĩnh lại khi ánh đèn của thành phố Sapa hiện ra trước mặt. Không hiểu sao có sự trùng hợp là khách sạn đoàn ở mang tên 2 trợ lý của Cha quản lý của Đoàn: chị Bạch Tuyết (phu nhân anh Thi) và chị Ánh Tuyết (phu nhân anh Thiên): Khách sạn Tuyết (Sapa Snow Hotel).

Em Quân trong nhóm “Anh em miền núi” đón chúng tôi tại khách sạn, chu đáo xếp đặt phòng ốc và bữa cơm tối cho đoàn ngay tại khách sạn.

Sau khi tắm rửa và ăn tối, anh chị em đi bộ đến nhà xứ Sapa thăm các cháu H’Mông đang lưu trú tại đây.

Thầy Điệp (thay mặt cha chánh xứ Phêrô Phạm Thanh Bình đang đi thường huấn) đón chúng tôi tại nhà xứ thông báo một số tình hình và hoàn cảnh các cháu H’Mong đang lưu trú. Đoàn đã tặng 5 học bổng cho các cháu và một khoảng trợ cấp riêng cho nhà lưu trú để chia sẻ với những khó khăn của giáo xứ.


Ở đây chúng tôi cũng được trò chuyện và trao đổi với một thầy người H’Mong: Thầy Giuse Má A Cả một linh mục H’Mong đầu tiên trong tương lai của Giáo phận Hưng Hoá.

Sau đó, anh chị em thăm thành phố Sapa về đêm và nghỉ ngơi để chuẩn bị một ngày sắp tới khó khăn và bận rộn hơn.

“Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ nhất.” (Sáng Thế Ký)

DEO GRATIAS
NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG TÂY BẮC
CỦA ANH CHỊ EM CỰU CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN HOÀ BÌNH
NGÀY THỨ HAI – 05/9/2018

I- BUỔI SÁNG: GIÁO HỌ HẦU THÀO – SAPA

6g30: Sau một giấc ngủ thật ngon trong không khí mát mẻ của mùa thu Sapa, cả đoàn thức dậy, vệ sinh cá nhân và dùng điểm tâm ngay tại khách sạn rồi lên đường vào Giáo họ Hầu Thào để dâng Thánh lễ cùng với giáo dân H’Mong. Vì đường nhỏ và hư hõng nhiều xe lớn không đi được nên đoàn đành thuê 2 xe 16 chỗ để vào Hầu Thào.

Buổi sáng trời thật đẹp. Trên đường đi, dãy Fanxipan như vừa thức giấc vươn mình khỏi những áng mây. Bên dưới là thung lũng Mường Hoa với những bản làng H’Mong tuyệt đẹp đang chìm trong làn sương sớm: Bản Tả Van, bản Cát Cát.


Cuối cùng, xe cũng đến Giáo Họ Hầu Thào nằm trên ngọn núi đối diện với Fanxipan hùng vĩ.

Giáo họ Hầu Thào thuộc Thôn Hang Đá, Xã Hầu Thào, Huyện Sa Pa, Tỉnh Lào Cai, được thành lập vào năm 1926, nghĩa là đã 92 năm đức tin vẫn kiên trung tồn tại và đâm chồi nảy lộc dù qua bao gian lao, khó khăn và cấm đoán. Ngày 06.06.2014, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn và Cung Hiến nhà thờ Hầu Thào – giáo xứ Sapa với tước hiệu Thánh Gia. Hiện nay, cha Phêrô Phạm Thanh Bình làm quản nhiệm giáo xứ Sapa, trong đó có giáo họ dân tộc Hầu Thào với 1.000 giáo dân toàn H’Mong . Thầy Giuse Má A Cả, mà anh chị em đã đã được gặp tối qua, là người con ưu tú của giáo họ Hầu Thào và là chủng sinh đầu tiên người H’Mông hiện đã hoàn thành chương trình tu học của Đại chủng viện và chờ ngày bước lên bàn Thánh, đem lại niềm hãnh diện cho giáo dân H’Mong nói chung và giáo họ Hầu Thào nói riêng.

Khi gặp các giáo dân H’Mong từ các rẻo cao của sườn núi Fanxipan đi bộ tụ tập về đây chờ dự Thánh lễ, anh chị em trong đoàn hầu như ai nấy đều xúc động. Đây là lần đầu tiên anh chị em trong đoàn dự thánh lễ với giáo dân H’Mong ngay trên đỉnh núi của vùng đất họ sinh sống.


Thánh lễ khởi đầu với Ca nhập lễ “Tôi mừng vui” của Thánh vịnh 121 do nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc được cộng đồng cất lên bằng tiếng H’Mong như nói lên tâm tình của những người con núi rừng khát khao mầu nhiệm Thánh thể đến dường nào.


Anh chị em trong đoàn đã đắm mình và hoà nhịp với âm thanh khúc hát ban mai của núi rừng Tây Bắc và không thể nào quên được cái cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức giai điệu thiên nhiên hoang sơ tinh khôi, thần tiên, hồn nhiên đầy ấp tình Chúa giữa đại ngàn. Khúc hát thánh ca ban mai của những những nguười con Chúa vùng Tây Bắc như phép lạ biến một miền rừng hoang sơ, kỳ bí, bừng sáng long lanh hơn trong bình minh; cho những váy áo đầy sắc màu trong thánh đường thắm sắc rực rỡ hơn và cuộc sống dù đơn sơ vẫn luôn ấm áp ngọt ngào tràn niềm vui sống đạo và sự bền vững trong đức tin, cậy, mến qua bao năm tháng.

Điều đáng ngạc nhiên là dầu đây là lần đầu tiên được tiếp xúc và dự chung Thánh lễ với giáo dân H'Mong, nhưng anh chị em trong đoàn cũng vừa nhìn lên màn hình hiển hiện tiếng H'Mong vừa say sưa hát theo bằng cả trái tim mình. Với sợi dây liên kết trong đức tin và đức ái, bây giờ không còn người Kinh hay H'Mong, Dao đỏ... mà chỉ còn là một cộng đoàn con Chúa thống nhất không bị ngăn cách bởi tháp Babel.

Thánh lễ kết thúc với bài “Tswv ntuj kev hlub” (Ca vang Tình yêu Chúa) của Gia Ân và Hwm Niam Mab Liab (Dâng Mẹ) để rồi những người con núi rừng mang tình yêu Chúa, tình Mẹ Maria trở về với nương rẫy, với suối ngàn và để lại cho anh chị em trong đoàn niềm nhớ thương luyến tiếc.


Cuối cùng, không hẹn mà nhiều anh chị trong đoàn đã cùng phát biểu một cảm nghỉ như nhau: "Ua tsaug (cám ơn) các bạn H'Mong, chính các bạn đã củng cố thêm đức tin cho chúng tôi"
Mam mus zoo - Mam Sib ntsib dua: tạm biệt các bạn - hẹn gặp lại.

Xin mượn bài thơ Thầy Giuse Đinh Thế Tuyền đã sáng tác trong chuyến đi hành hương Tây Bắc cùng lớp Phaolô chúng tôi năm 2015 để kết thúc bài viết này.

EM BÉ H’MÔNG

Có…
Tiếng pha lê thánh thót trên đỉnh núi
Vọng ngân lời chúc tụng Chúa Càn Khôn
Có âm vọng dịu trong hơn tiếng suối
Reo chan hòa ánh sáng Đấng Chí Tôn
Có…
Tiếng xào xạc dấu chân nai nhẹ bước
Dưới tán rừng cây nở ngọc - Sapa
Rung với gió tiếng khèn tung sóng lướt
Xanh hy vọng về bên suối Tình Cha
Có…
Tiếng xôn xao lá chạm mùa vui thỏa
Khấp khởi mừng đón ánh Bình Minh xanh
Ngày ngập nắng Niềm Tin Yêu bừng tỏa
Đong mắt Trời cả giọt sáng long lanh
Có…
Tiếng líu lo Sơn Ca ngân vời vợi
Bay vút trời khắp đỉnh Phan Xi Păng
Tơ vàng sợi lóng lánh Niềm Tin mới
Thanh dáng đời hương nắng nhẹ tung tăng
Có…
Tiếng róc rách suối thầm thì từng giọt
Cho phiến hồn đắm mình làn nước thiêng
Xuôi nhẹ chảy Đại Dương Lòng Thương Xót
Mát câu đời rung điệp khúc đoàn viên
Em bé H’Mông hỡi !
Trái tim núi rừng ơi !
Tiếng em bay vút tận trời
Tụng ca Thiên Chúa muôn đời hiển vinh !

Dzuy Sơn Tuyền (Sapa mùa nắng….)

II- TRƯA VÀ CHIỀU NGÀY 5/9/2018: SAPA - LAI CHÂU

Từ Hầu Thào, đoàn chúng tôi trở về Nhà thờ Sapa để thăm quan, chụp hình và viếng mộ Đức cha Phaolô Lộc (Paul Ramond), người có công thành lập Giáo xứ Sapa vào năm 1902 và Cha Ydiart Alhor Jean Thịnh, là linh mục chính xứ cuối cùng thuộc M.E.P. đã bị sát hại vào năm 1948.



Sau khi được nhà xứ Sapa chiêu đãi bữa cơm trưa với món lẩu cá tầm đặc biệt nuôi tại Thác Bạc, Đoàn từ gỉã Thầy Điệp, Thầy Má A Cả và Ban Hành Giáo Giáo xứ Sapa lên đường đi Lai Châu.

13g00: Xe đưa chúng tôi xuôi theo QL.4D về hướng Lai Châu. Rời khỏi Sapa 12km, chúng tôi dừng tại Tháp Bạc nằm ở độ cao 200m là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ., thuộc xã San Sả Hồ, Huyện Sapa, Tỉnh Lào Cai.

Đèo Ô Quy Hồ
13g30: Đoàn lên xe tiếp tục chinh phục đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên (do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn) hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quý Hồ nối liền Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh này, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Đoàn dừng lại tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ ở độ cao 2073m, giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời để anh chị em thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của cung đường Tây Bắc.


Rời Cổng trời, xe tiếp tục lượn quanh những đường đèo khúc khuỷu. Còn đến 36km nữa mới rời đèo Ô Qui Hồ. Cha Giuse Nguyễn Huy Điệp không quên trách nhiệm của mình, bắt đầu xướng kinh lần chuỗi Mân Côi. Có Chúa và Mẹ Maria đi cùng chẳng còn sợ hiểm nguy.

Hết giờ kinh nguyện cũng là lúc xe đổ dốc xuống đường bằng. Tôi chợt nhớ qua khỏi đèo sẽ có một đoạn ruộng bậc thang rất đẹp, vậy là báo cho Trung chuẩn bị dừng lại để anh chị em chụp hình. Vì đang là tháng 9 nên lúa mới lên xanh, không vàng ươm như tháng 4 tháng 5. Tuy nhiên cảnh vật cũng làm anh chị em mê tít.

16g30: cột mốc biểu tượng của Thành phố Lai Châu xuất hiện trước mắt. Xe bắt đầu chầm chậm tiến vào thành phố. Anh Quyền, Trưởng Ban Hành Giáo Giáo xứ Lai Châu đón chúng tôi ngay đầu thành phố và dẫn đường đưa chúng tôi vào khách sạn Châu An nằm ngay trung tâm thành phố.


Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thành phố đầy cây xanh, hồ nước và yên tĩnh đến lạ thường. Hầu như rất ít thấy dòng xe xuôi ngược như các thành phố khác. Đường rộng thênh thanh mà chỉ có xe chúng tôi bon bon trong trung tâm thành phố. Té ra thành phố Lai Châu chỉ có khoảng 28.000 dân, nhỉnh hơn dân số Phường 17 Quận Bình Thạnh TP.HCM đôi chút.

Từ khách sạn nhìn xuống trung tâm thành phố chìm trong bóng hoàng hôn với cây xanh, hồ nước, mây và núi, giống như 1 bức tranh sơn thuỷ hữu tình, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó:

Hoàng hôn dần khuất núi
Mây cúi xuống nhìn theo
Nắng muộn màng tiếc nuối
Vương sợi nhớ lưng đèo


Theo lịch thì 2 cha của đoàn chúng tôi sẽ dâng thánh lễ cùng giáo dân Lai Châu vào lúc 19 giờ, vì thế anh chị em tắm rửa rũ bụi đường thật nhanh để xuống xe đi vào nhà xứ. Vừa chuẩn bị lên xe thì Cha chánh xứ Phêrô Phan Kim Huấn (đang đi Thường huấn tại Toà Giám Mục Hưng Hoá – Sơn Tây) điện cho tôi và anh Quyền là công an thông báo không được phép dâng lễ. Một chút ngỡ ngàng và hụt hẫng. Tuy nhiên đoàn vẫn lên xe vào nhà nguyện Duy Phong của giáo xứ.


Vừa xuống xe, chúng tôi chứng kiến đông đảo giáo dân ăn mặc thật đep đang háo hức chờ tham dự thánh lễ. Khi nghe thông báo thánh lễ bị huỷ bỏ, nét mặt ai nấy buồn bả và tiếc nuối. Tuy thế, họ vẫn vào nhà nguyện để đọc kinh và cầu nguyện. Ôi thương và đau vô cùng.

Sau khi dùng cơm tối, Ban Hành Giáo đưa chúng tôi đi uống cà phê tại quán Tam Đường Tea nằm trên đỉnh Nùng Nàng với độ cao 1.000m so với mực nước biển, được đánh giá là quán cà phê đẹp nhất vùng Tây Bắc. Ngồi nhâm nhi ly cà phê với giá bằng quán bậc trung của thành phố nhưng lại được ngắm cả thành phố Lai Châu huyền ảo về đêm thật không gì thú vị bằng.

Thành phố Lai Châu về đêm nhìn từ đỉnh Nùng Nàng
Cà phê Tam Đường trên đỉnh Nùng Nàng
Tâm sự
Tôi bổng như nghe văng vẳng hình như có cô gái H’Mong nào đó cất tiếng hát:

“… Phố núi… thành phố tình yêu bồng bềnh mây bay quanh phố, con đường… thênh thanh rộng mở, ngỡ ngàng nhà mái dựng xây, xin mời về Lai Châu đắm say, trong tiếng khèn, điệu xòe thương… nhau Phố núi.. thành phố tình yêu bồng bềnh mây bay quanh phố, con đường...thênh thanh rộng mở, ngỡ ngàng nhà mới dựng xây, xin mời về Lai Châu đắm say, dệt khúc tình ca trong thơ. Ơi! Lai Châu thành phố đẹp như mơ.” (Lai Châu – Thành phố tình yêu).

Tiếng hát đó theo tôi vào giấc ngủ trong cái tĩnh lặng của thành phố núi và mây.

“Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.” (Sáng Thế Ký)

DEO GRATIAS