ƠN GỌI VÀ NHỮNG CUỘC HÀNH TRÌNH 

Vào một ngày cuối tháng năm vừa qua, khi lên thăm trang facebook, tôi đã thấy hình ảnh, và đọc một câu truyện thật cảm động bên Ba Lan: Thầy Michael Los, 31 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại chủng viện Thánh Luigi Orione. Thầy ước muốn được trở thành linh mục và cử hành thánh lễ đầu tiên trước khi gục ngã vì căn bệnh ung thư. Với ân ban của ĐTC Phanxicô, ngày 24.05.2019, Đức Cha Marek Solarchot đã chủ sự thánh lễ truyền chức ngay trong phòng bệnh của thầy. Đầu tiên là nghi thức phong chức phó tế, sau đó là chức linh mục, cùng đồng tế có các linh mục trong cộng đoàn Orionine Fathers, và những người thân thuộc trong gia đình. Sau thánh lễ, Tân linh mục Michael Los đã tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn tất cả mọi người đã cầu nguyện cho ngài. Tân linh mục đã ban phép lành đầu tay cho tất cả mọi người: Đức Giám mục, các linh mục đồng tế, và những người thân. Câu truyện vẫn chưa hết: Nhân sinh nhật lần thứ 31 của tân linh mục vào ngày 7 tháng 6 vừa qua, Tổng thống Balan đến thăm và quỳ gối xin phúc lành của cha.

Câu truyện này vốn đã hay, nhưng đặc biệt gây ấn tượng mạnh mẽ cho tôi vì một sự trùng hợp mà tôi sẽ kể… Sau ngày Đại Chủng viện Hòa Bình giải thể vào tháng 03 năm 1975, các thầy của ba lớp triết học đã trở về giáo phận gốc của mình  (Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Ban Mê Thuột và Kon Tum). Mỗi giáo phận có một số phận và hoàn cảnh riêng. Đối với giáo phận Qui Nhơn,  những anh em cựu Hòa Bình tiếp tục sinh hoạt với giáo phận đã được phân bổ đi giúp xứ ( HB 2: Nguyễn Công Từ, Lê Văn Phú, Nguyễn Sao; HB 3: Trần Thanh Long, Nguyễn Kim Sơn, Huỳnh Anh Dũng ), còn lại bao nhiêu đi làm rẫy tại khu núi rừng Long Mỹ ( HB 1: Lê Quang Nhu; HB 2: Lê Tấn Hùng, Trần Văn Tâm, Nguyễn Văn Toàn, Huỳnh Xuân Thượng, Văn Quang Trúc; HB 3: Nguyễn Huy Điệp, Trịnh Văn Hồng, Trần Công Huấn, Phùng Khắc Thảo, Hồ Bá Tánh ). Trung tâm Long Mỹ cách Tòa Giám Mục Qui Nhơn khoảng 30 km, nằm giữa vùng rừng núi thâm u. Các thầy được giao cho khoảng 5 mẫu đất để trồng lúa rẫy và các loại đậu, bên cạnh một con suối có nước chảy quanh năm. Lần đầu tiên đến ở rừng núi, ban ngày thì vắng vẻ, ban đêm hoang vu đến rợn người, lại còn nghe vùng này đêm đêm cọp hay về, còn heo rừng thì u ê, chúng tôi như luôn trong tình trạng “ẩn mình chờ chết”. Vì thế, ban ngày chúng tôi đi thu gom củi khô chất thành đống ở giữa sân, để khi đêm xuống là đốt lửa ngăn cọp về quấy phá. Cả tuần chỉ mong mau đến thứ bảy, chúng tôi được về nhà thờ Phú Thạnh trong thị trấn Phú Tài, hậu phương của chúng tôi, để đi lễ Chúa Nhật, và hưởng bầu khí thị thành. Đức Cha Phaolô cũng sốt ruột, nên hầu như cứ mỗi tuần đi xe Land Rover lên thăm các thầy,  chở theo đồ thăm nuôi ( gạo, cá khô, mắm, dầu…). Còn du kích thì vài ngày lại thấy đến kiểm tra. Mà kiểm tra là phải, vì đương không, có một nhóm thanh niên, tướng tá sỹ quan, cốt cách như thư sinh, lên đây với danh nghĩa đi lao động, hay lại là… Thật vậy, chỉ sáu tháng sau, Đức Cha đã vội vã thu quân để bảo toàn lực lượng. Trong thời gian lao động ít ỏi này, chúng tôi chẳng làm được gì nhiều: lúa thì chưa đến mùa gieo trồng, chỉ làm cỏ được một ít đất để trỉa bắp và đậu phụng. Nhưng về khoản đậu phụng giống thì bị thiếu, mà chúng tôi khó ăn khó nói. Chả là vì tối tối ngồi nhìn đống lửa cháy bập bùng, tự nhiên thấy buồn miệng, thế là lấy đậu phụng giống ra rang để nhâm nhi và canh  cọp!!!. 

Cuối năm 1975, chúng tôi được lệnh “rút quân” về chủng viện Làng Sông, nhập chung với các thầy dưới một lớp đã ở đó trước sáu tháng. Nhưng lúc này, quân số của nhóm Long Mỹ đã không toàn vẹn như ban đầu: Lê Tấn Hùng, Nguyễn Văn Toàn và Huỳnh Xuân Thượng đã sang ngang. Sau ba tháng ở Làng Sông, Lê Quang Nhu được chuyển lên trung tâm Vi Nhân với các thày đã học ở ĐCV Xuân Bích Huế; Hồ Bá Tánh đi trung tâm Mằng Lăng. Trong lúc đó, Lê Văn Phú và Trần Thanh Long đang giúp xứ, cũng đã chuyển hướng. 

Giáo phận Qui Nhơn có 04 trung tâm tập trung các thày. Sau đây là danh sách số sót của 3 lớp HB tại các trung tâm: Vi Nhân: Lê Quang Nhu, HB 1; Mằng Lăng: Hồ Bá Tánh, HB 3; Làng Sông: HB 2: Nguyễn Công Từ, Nguyễn Sao, Trần Văn Tâm, Văn Quang Trúc. HB 3: Nguyễn Huy Điệp, Trịnh Văn Hồng, Trần Công Huấn, Nguyễn Kim Sơn và Phùng Khắc Thảo. Trong 04 trung tâm của các thày Qui Nhơn, anh em cựu Hòa Bình tập trung đông nhất tại Tiểu chủng viện Làng Sông ngày xưa, mà vì thời cuộc, nay đã trở thành Đại Chủng Viện Làng Sông.

Trong khi trung tâm Vi Nhân học và sản xuất mì số 8, Mằng Lăng lao động trên ruộng đồng, thì tại Làng Sông vừa học vừa lao động: ngày làm ruộng, tối đi đón tôm cá tại bờ cá rộng khoảng 02 mẫu tây, theo phương châm “lao động là vinh quang”.

Khủng hoảng tinh thần của chúng tôi khi đó là: Phải dung hòa lao động trí óc và chân tay, trong một tương lai mịt mù về Ơn gọi làm linh mục, chưa kể những khó khăn về cuộc sống…

Làm ruộng thì có vụ mùa, làm thủy sản thì ngày đêm nào cũng phải chia phiên đi canh và đón bờ, ngoài thời gian lao động thì tiếp tục học triết và thần, do các cha đàn anh chỉ lại.

Trong thời gian này, có thêm một số anh em đã dừng bước giang hồ: HB 1: Lê Quang Nhu; HB 2: Trần Văn Tâm, Nguyễn Sao, Văn Quang Trúc; HB 3: Huỳnh Anh Dũng, Trịnh Văn Hồng, Hồ Bá Tánh. Đến năm 1982, khi các thày được coi là đã mãn chương trình Đại Chủng Viện Qui Nhơn, anh em Hòa Bình bây giờ chỉ còn 05 người tại Làng Sông: HB 2: Nguyễn Công Từ; HB 3: Nguyễn Huy Điệp, Trần Công Huấn, Nguyễn Kim Sơn và Phùng Khắc Thảo.

Tại Làng Sông, sau khi các thày đã mãn trường, mà việc chịu chức thì xa xăm biền biệt, Đức Cha Phaolô đã thường lên thăm, an ủi các thày. Có một lần,với ánh mắt trìu mến và cảm thông, ngài nói: “Các con đừng nản lòng, cứ tiếp tục kiên trì, nếu khó khăn quá thì cha sẽ phong chức linh mục cho các con trước khi chết”. Chúng tôi hiểu ngay đây chỉ là một lời hứa đậm tình thương mến, nhưng lúc đó đã nâng đỡ chúng tôi rất nhiều. Câu truyện của tân linh mục Michael Los ở trên đã làm tái hiện câu truyện của chúng tôi lúc đó. Bốn trong năm anh em chúng tôi đã được chịu chức: 03 Linh mục và 01 Phó tế vĩnh viễn, nhưng phải mất đến nhiều năm về sau…vì chúng tôi đâu có bệnh hiểm nghèo như cha Michael Los!!! 

Bên cạnh lời hứa này, để giải tỏa tâm lý các thày, Đức Cha đã cho chúng tôi chọn một trong ba phương án để tiếp tục Ơn gọi: 1- Tiếp tục ở lại đây để lao động và chờ chịu chức; 2- Về sống với gia đình chờ thời cơ thuận tiện; 3- Xin chuyển đổi đến giáo phận nơi gia đình đang sống. Đức Cha cho ba ngày để suy nghĩ, cầu nguyện và quyết định. Hết kỳ hạn, “Bác” Từ chọn phương án 01: ở lại, bốn người lớp HB 3 chúng tôi chọn phương án 2: về với gia đình. Không ai chuyển đổi giáo phận. 

Nhưng trước khi người đi kẻ ở, Đức Cha đã quyết định trao hai tác vụ Đọc sách và Giúp lễ cho những thầy nào xin. Toàn bộ anh em  cựu Hòa Bình đã làm đơn xin lãnh tác vụ. Thánh lễ trao hai tác vụ đã diễn ra trong âm thầm lặng lẽ, tại phía sau nhà nguyện của Tòa Giám Mục, nơi để hài cốt thánh Anrê Kim Thông,. Hiện diện chi có Đức Cha chủ sự, hai cha giám đốc và quản lý ĐCV Làng Sông đồng tế, và những thầy lãnh tác vụ. Đến bây giờ, khi nhớ lại, tôi vẫn nhớ bầu khí thật xúc động. Lãnh tác vụ thôi, nhưng tôi thấy như mình đã được chịu chức Linh Mục… Sự xúc động cũng chẳng khác mấy khi so sánh với trường hợp của tân Linh mục Michael Los. Vì đây là dấu chỉ khai mở cho dấu ấn về Ơn gọi, tuy hành trình còn dài và đầy chông gai… 

Giải pháp “Ba D” này cũng chỉ kéo dài được sáu tháng, khoảng tháng 08/ 1983, toàn bộ chúng tôi lại được triệu tập về Làng Sông để cùng chấp hành một giải pháp chung kết: Giải thể ĐCV Làng Sông. Đây là giải pháp từ phía xã hội: Trong khi chờ các ĐCV miền mở cửa, các “chủng viện địa phương” giải tán. Các chủng sinh về sống với gia đình chờ ngày chiêu sinh. Đối với những anh em chọn giải pháp 02, đây là cơ hội tiếp tục con đường mình đã nhắm tới. Nhưng đối với những ai đã chọn ở lại, thì quả là một khủng hoảng. Đi về đâu hỡi em?!...

Mùa hè năm 1983, số sót bốn anh em Hòa Bình – Qui Nhơn tại trung tâm Làng Sông đã chia tay mỗi người một nơi. Theo giòng thời gian, Nguyễn Kim Sơn, Phùng Khắc Thảo và Trần Công Huấn đã rời khỏi quê hương để tìm vận hội mới. Thảo đã lập gia đình, hiện đang sống tại Canada. Như vậy,  Nguyễn Kim Sơn thụ phong Linh mục tại Mỹ, Nguyễn Công Từ chịu chức Linh mục thuộc giáo phận Long Xuyên, Trần Văn Tâm nhập giáo phận Nha Trang và chịu chức Linh mục tại đây. Nguyễn Huy Điệp thuộc hàng Linh mục  giáo phận Qui Nhơn, Trần Công Huấn lập gia đình và trở thành Phó tế vĩnh viễn tại Mỹ…

… Sau 45 năm tuyệt tích giang hồ, hình ảnh ĐCV Hòa Bình đã được gợi lại. Khởi sự là vào ngày 20.04.2017, tại cuộc họp mặt tại nhà anh Công Long ở Nha Trang, cha Ngọc Anh đã đề nghị, được sự động viên Đức Cha Anphong, anh em Hòa Bình đã bắt đầu tìm lại nhau và lần bước về nguồn cội, để hình thành “Gia đình anh em CCS/ĐCV/Hòa Bình Đà Nẵng”. Và  đến hôm nay, tuổi đã lên hai./. 

Sông Cầu ngày 15.06.2019

Lm Antôn Nguyễn Huy Điệp, HB3