CHUYỆN ÔNG THẦY NHU:
“PHÁ SƠN LÂM, ĐÂM HÀ BÁ”
“PHÁ SƠN LÂM, ĐÂM HÀ BÁ”
Nhỏ thuở nào ...
Ngày mới giải phóng, nguồn kinh phí nuôi các chú ăn học từ Rôma không còn nên buộc phải giải tán tiểu chủng viện. Tiếc cho một thế hệ chủng sinh tài năng, các bề trên đã cố gắng giữ lại hai lớp cuối là lớp 11, 12. Hai lớp này cộng với số các thầy từ hai đại chủng viện Xuân Bích và Hòa Bình mới bị giải tán trở về gộp chung lại là gần 50 người. Như gà mẹ ủ ấp gà con, dẫu bao khốn khó các ngài vẫn nuôi hy vọng sẽ nuôi được các chú, sẽ tìm được những hạt vàng cho giáo hội. Chỉ là 50, nhưng để nuôi ăn vẫn là một vấn đề nan giải, nhất là giữa thời bao cấp thuở đó, thứ gì cũng thiếu.
Là kẻ tu hành, bề trên chẳng rành chuyện làm kinh tế, mà kinh tế XHCN lại càng mù tịt. Các ngài lúng túng không biết phải làm sao chạy cho ra gạo. Thôi thì thiên hạ làm gì mình làm nấy. Thấy sân chơi tiểu chủng viện rộng có thể tăng gia sản xuất, vậy là kêu các chú ra đánh vồng trồng khoai lang. Bỏ công tưới tắm chăm sóc ròng rã mấy tháng trường mà đào lên lang củ đâu chẳng thấy chỉ thấy toàn lang lá cùng một mớ lang dây, dành cho thiên hạ nuôi heo. Không nản và cũng để cho mau thấy, các ngài tậu về mấy chiếc xích lô. Nhưng xích lô nhà tu, dù chạy lông rông ngoài đường hay lên bến
xe kiếm khách thì với cái bản tính nhường nhịn, các ông nhà tu kia làm sao dành cơm nổi với các tài tử xô xích le chuyên nghiệp. Còn như có đem xe cắm gần nhà thờ, đậu các góc phố hay đứng giữa chở thì cũng chả ai dám kêu vì họ không nở bắt mấy ông nhà tu è cổ ra đạp xe chở mình. Đúng là lỡ thầy lỡ thợ, lỡ cười lỡ khóc :
Tượng thờ dẫu đổ vẫn thiêng,
Miếu thờ hoang phế vẫn nguyên miếu thờ
(Lermontov).
Đó là chưa nói đến chuyện nhà nước sinh nghi, chẳng hiểu cái bọn tu hành này đạp xe kiếm cơm hay có nuôi cái âm mưu gì khác nữa không, vì thế chỉ sau mấy tuần “sáng dắt xe đi tối dắt về” xích lô ta đành dắt vô kho tủ mền cất kỷ.
Cùng dường hết gạo chạy rông ta lại nhất nông nhì sỉ. Hai lớp 11, 12 liền bị đuổi lên khu cầu Đôi, gần Làng Sông cho nhập chung với mấy thầy lỏp thần học để cùng chung tay làm muối: đem mồ hôi biến biển mặn hóa ra gạo trắng dẻo thơm. Được ra ngoài, được tắm sông, được bắt cua câu cá nên dẫu có phải lăn ra ruộng dang nắng đầy khổ sở nhưng tuổi trò thế là khoái. Chữ nghĩa dân gian vẫn gọi ruộng muối là diêm điền, dân làm muối là diêm dân thế là các chủng sinh nhà ta liền tự xưng mình là diêm sinh và đồng lòng tôn phong chú Nhiệm, anh hùng lao động của trường lên làm diêm chúa. Một mình một cõi, có chúa có tôi mặc sức tung hoành thoả chí bình sinh, cuộc đời đến thế nghỉ là cũng sướng
Còn các thầy đang theo lớp Thần học, khoảng hơn mười vị thì được cho tập trung về trường Lasan. Công việc lao động ở đây thì ngoài chuyện đi làm muối ở cầu Đôi còn có thêm nghề làm bún đổi gạo. Nhóm này toàn là các nhà bác học, đầu óc lúc nào cũng mơ tưởng đến những sự trên trời, chí thì cao như chim bằng, lời thì khí khái tựa Y Phó.
Riêng dân hai lớp triết, bề trên cho về Long Mỹ Phú Tài đâm hà bá phá sơn lâm: cuốc rừng làm rẫy.
Long Mỹ một thuở...
Lại nói về chuyện hai lớp triết mà bề trên cho về Long Mỹ Phú Tài đâm hà bá phá sơn lâm: cuốc rừng làm rẫy.
Tuổi thanh niên sức dài vai rộng giờ phải đem mặt bán cho dất, đem lưng bán cho trời, chả khác gì mấy anh nông dân thứ thiệt. Việc lao động bề trên bảo làm thì phải làm nhưng trong bụng khó mà ưng. Chả lẽ chỉ vì việc cầm cuốc mà phải tu luyện học tập suốt mười mấy năm trường hay sao.
Đứng trước tương lai mù mịt, ngày ngày vác cuốc lên núi tỉa đậu, ngửa mặt nhìn núi rừng, cúi xuống nhìn đôi bàn chân mà lòng buồn khôn tả. Buồn lắm. Làm xong lại rủ nhau ra sông tắm. Về nhà thằng lao vào sáng tác nhạc, thằng mò mẫm ghita, thằng nghiên cứu triết, thằng lại chổng khu vật lộn với mớ chữ ngoằn ngoèo những mong sẽ thông thiên văn, tường địa lý. Lớp này được bề trên giao trưởng tràng là thầy Nhu phụ trách
Bổn tính thầy Nhu hiền lành, nghe nói đến con muổi đốt thầy cũng chẳng nở đưa tay đập, tuy nhiên do thời gian nông nhàn ở Long Mỹ hơi bị nhiều, mà nhàn cư vi thì bao giờ mà chả sinh ra bất thiện, ở không thầy ta nghiễn ra lắm trò khiến thiên hạ phải nể mặt, quỷ thần phải kinh khiếp. Tính thầy là thế, thủ thì như phật tọa tòa sen nhưng đã ra tay đùa rồi thì ngay đến xỉa răng cọp, vuốt râu hùm thầy cũng chả ngán. Bao trò đùa mà thầy là đầu têu đã diễn ra, nhưng vì thời gian qua đã lâu nên đều mai một, giờ chỉ còn lại mỗi chuyện kiểm tra hộ khẩu là vẫn còn lưu truyền trong dân gian, xin được hầu chuyện cùng chư vị.
Xét cho kỷ thì chuyện đùa kiểm tra hộ khẩu này mà có xảy ra cũng là bởi tại vì cái khu rừng Long Mỹ nó rộng quá. Đất đai rộng khiến các bà MTG nổi lòng tham sự vinh quang thế gian. Lòng tham kỳ lạ ấy đã xui các bà cố nài nỉ xin cho được khoảnh đất để cùng lao động. Mà lao động tìm vinh quang thì ở đâu chẳng xong vậy hà cớ gì lại cứ phải lao động cách trại các thầy có một ngọn đồi với một con sông mới được nhỉ! Mấu chốt toàn bộ vấn đề là ở đó.
Với thầy Nhu thì các bà chẳng lạ gì vì nhà bố mẹ Nhu nằm sát trường Trinh Vương, khi gặp vẫn hay chào hỏi
Một chiều nọ có thầy Lê Văn Phú, đang giúp xứ Đại Bình, nhân dịp về thăm nhà ở đường Gia Long, thầy lọc cọc đạp chiếc xe đòn dông lên thăm bạn cũ. Anh em cùng lớp 66 của hắn liền trổ tài ra sông Long Mỹ thả lưới bắt cá đãi khách. Trong bọn 66 ấy có Trúc mô đô là dân ruộng, ba cái chuyện cá mú này hắn giỏi còn hơn cả chuyện kinh bổn. Trúc vốn người cao lớn, tóc đen da trắng, môi đỏ như son, thầy Lỗ Ban học cùng lớp sau khi xủ quẻ có nói rằng tương lai hẳn sẽ phát về đường ăn nói và quả có đúng vậy. Trúc bước chân khỏi cửa chỉ trong chốc lát mà đã xách về nguyên một xâu cá dài cùng mấy con lươn mập. Cơm nước xong xuôi anh em bên nhau lai rai đấu láo.
Sáng hôm sau đang ngồi uống nước trà phà thuốc rê ngửa mặt nhìn lên núi thì thấy thấp thoáng xa xa có bóng mấy bà MTG đang còng lưng cuốc đất. Phải công nhận là mấy bà này siêng quá là siêng. Nhu chột nghĩ ra một trò đùa. Hắn liền vào trong lôi ra một cái mũ cối đan bằng lá và một cái xách cốt. Hẳn bảo Phú đóng bộ vào, đoạn kêu anh em góp ý sửa sang cho tới khi bộ dạng Phú giống hệt một cán bộ miền bắc dang di công tác mới ưng. Xong xuôi Phú và Nhu cùng cất bước lên đường. Nhu thì cao ốm, Phú thì mập lùn, nhìn hai anh em bên nhau chả khác nào hai thầy trò hiệp sĩ Đồng Ký Khốt và Sanchô Pancha đang trên đường thế thiên hành đạo. Rõ là :
Ngang lưng thì thắt nịt vàng
Đầu đội mũ cối vai mang túi dài
Mội tay cắp sổ kê khai
Tay kia cắp bút hai thầy... đi kinh (lý).
Bước qua khỏi mấy đám đất khô cằn, qua một ngọn đồi nhỏ rồi lội tiếp con sông Long Mỹ mùa cạn, nước chỉ xăm xắp ngang đầu gối là tới được giang san của mấy bà. Lọt vào thế giới phái Nga Mi lập tức ta cảm nhận được ngay cái không khí khác. Đúng là phụ nữ, ở đây mọi thứ đều đâu vào đó, sạch tinh tươm không một cọng rác. Dù chỉ là chổ ở tạm để lao động nhưng các bà cũng làm hàng rào, cũng trồng mấy khóm hoa cánh bướm, hoa mười giờ trông rất đẹp mắt .
Hai anh em cùng bước vào bên trong, phòng khách tuy chật nhưng vẫn có chổ để kê một bộ bàn ghế gỗ thông, có lẽ được đóng từ mấy tấm ván thùng đạn. Chắc hẳn sau bức trướng kia các bà đã theo dõi hai thằng từ xa nên trên bàn đã bày sẵn một đĩa bánh in gói giấy bóng xanh đỏ, mấy cái chén đất cùng một ấm trà khói lên thơm phức. Bà Lan phụ trách cùng một soeur nữa ra đón hai anh em nhưng ánh mắt cả hai chỉ thấy hướng về mỗi thầy Nhu. Các bà không dám nhìn tới cán bộ Phú dù chỉ một giây. Nhu chậm rãi:
- Xin giới thiệu với các bà, đây là anh Thành, cán bộ hộ khẩu trên tỉnh. Hôm nay anh về đây kiểm tra hộ khẩu. Anh có nhờ tôi dẫn sang trại các bà giới thiệu để tiếp tục công việc.
Là dân Hà Nam có giọng bắc rặt, Phú ta khề khà thả giọng:
- Tôi thực hiện chủ trương lớn của nhà nước đi kiểm tra định kỳ dân số toàn quốc, yêu cầu các công dân trình báo nhân hộ khẩu đầy đủ. Ngước nhìn soeur Lan, hắn lịch sự:
- Nhờ bà cho tập trung cả nhà lại để tôi kiểm tra .
Soeur Lan vội gọi hết các đệ tử dang núp phía sau lên. Các đệ tử lòng đầy lo lắng đứng sát vào nhau. Tất cả đều vòng hai tay lại, nét mặt trang nghiêm không khác nào đang dự giờ kinh sớm. Soeur Lan vừa cười vừa nói:
- Báo cáo cán bộ. Nhà chúng tôi đã có mặt đông đủ.
Cán bộ Phú ngước cặp mắt nhìn lên :
- Ủa! Sao toàn đàn bà không thế này. Vậy chứ chồng con đâu.
Nhu vội đỡ lời :
- Thưa cán bộ, mấy chị em này đi tu nên không có chồng.
Ngạc nhiên Phú nói:
- Ủa! Hễ cứ đi tu thì phải bỏ chồng à. Chuyện này tui nghĩ bà nào đã có gan bỏ chồng thì chắc khó mà tu cho thành chánh quả. Rồi đầy vẻ tâm sự hắn tiếp:
- Trong Nam này tu lạ quá. Tu mà lại xúm rủ nhau bỏ chồng đi tu. Ở ngoài tôi thì nhà ai nấy tu. Chồng con đàng hoàng vẫn tu đàng hoàng. Tu đâu bằng tu tại gia, thờ cha kính mẹ cũng là đi tu. Vậy xin hỏi chứ mấy bà tu đây là tu tại gì.
Soeur Lan đáp :
- Dạ chị em chúng tôi tu tại dòng MTG.
Phú như phân trần :
- Mà thôi, chính sách nhà nước ta hiện nay cũng khuyến khích chuyện tu hành. Tu cho xã hội đỡ cái bọn trộm cướp, cho bớt cái tệ nạn hút xách. Nhưng chuyện đó dành nói sau, giờ ta vào việc.
Nhu liền bảo các bà mang chứng minh nhân dân lên. Đã chuẩn bị sẵn nên phía trong nhanh chóng tuồn ra phía ngoài một chồng CMND. Thôi thì các bà tên họ gì, sinh năm nào cả hai đều rõ. Từ trong xách cốt, Phú lôi ra một cuốn vở, thấy ngoài bìa có đề chữ Latinh hắn liền vội lấy tay che lại và lo lật thật nhanh cho tới phần giấy trắng. Cầm từng CMND lên hắn gọi tên người, đợi chủ nhân đáp xác nhận mới chăm chú nhìn khuôn mặt để đối chiếu xem có đúng không. Xong xuôi hắn chậm rãi ghi tên tuổi, quê quán từng bà một vào cuốn vở Latinh. Trong lúc Phú làm việc, thầy Nhu nhà ta thong thả nhâm nhi mớ bánh in và nhấp chén trà nóng. Nhìn nét mặt đầy lo lắng của mấy bà, lòng thầy Nhu rất vui vì thấy màn trình diễn đầy hiệu quả của đàn em.
Những tuồng kịch nào muốn hay thì các tình tiết đều cần phải được đẩy lên cho tới cao trào. Phú nói:
- CMND các bà hợp lệ nhưng còn sổ đăng ký tạm trú tạm vắng đâu sao không thấy đem ra.
Không khí liền chùng hẳn xuống vì đã chạm vào đúng cái mà mấy bà đang lo, soeur Lan khẩn khoản:
- Dạ mong cán bộ thông cảm. Chị em chúng tôi mới lên đây lao động nên chưa kịp đăng ký .
Phú gằn giọng:
- Tôi chỉ bảo là đưa sổ đăng ký ra tôi xem thôi chứ có nói gì đâu mà mấy phải dài dòng.
Các bà càng thêm cuống. Nhu vội đỡ lời:
- Cán bộ thông cảm, mấy chị em đây thay nhau di lao động người vài ngày rồi lại trở về nhà dòng nên nghĩ là không cần sổ.
Phải mất cả mấy phút suy nghĩ đầy vẻ lao lung, Phú mới trầm giọng:
- Tôi vẫn muốn thông cảm lắm. Nhưng đợt kiểm tra này theo lệnh trên là phải cực kỳ nghiêm túc. Vì thế, mong anh Nhu cùng các bà ở đây thông cảm cho tôi lập biên bản.
Thế là mặc cho các bà lo sở, Phú cứ theo bài mà làm. Giấy bút lấy ra, hắn thong thả chép đầy đủ từ trên xuống dưới cứ y như đang lập biên bản để dưa về tỉnh. Xong xuôi hắn cầm tờ giấy đưa qua chỉ chỗ cho soeur Lan đại diện ký vào rồi nói tiếp:
- Vì các bà không có sổ tạm trú nên tôi số CMND này tôi phải tạm giữ. Ngày mai lên xã làm việc sẽ có người trả lại. Cầm tờ biên bản lẫn xấp CMND bỏ vào xắc cốt, hắn nhanh nhẹn đúng lên:
- Thôi chào mấy bà. Soeur Lan vội nói theo:
- Mồi cán bộ dùng nước.
- Thôi. Tôi xin cảm ơn. Ngày mai nhớ lên xã đăng ký.
- Dạ.
Hai thằng phấn khởi ra về. Vừa bước chân vào nhà lập tức từ Tấn Hùng, Thượng, Trúc, cho đến Hồng, Huấn, Điệp, Thảo... liền xúm lại tranh nhau kiểm tra mớ CMND. Thằng ý kiến này, thằng ý cò nọ, tất cả đều hỉ hả. Tuy nhiên, những sự việc xảy ra tiếp theo sau đó mới cho ta thấy được cái tài liệu việc như thần của thầy Nhu. Hút chưa tàn điếu, tử bên kia sông đã xuất hiện bóng bà Lan hấp tấp chạy sang. Thầy kêu cả bọn lui ra phía sau, còn mình bước ra. Bà Lan vừa thở vừa nói:
- Nó đi chưa ?
Nhu nháy mắt :
- Nó còn trong đó.
Bà Lan vội im. Nhu cất cao giọng:
- Mỗi bà vào trong, cán bộ đang đợi.
Phú xếp chồng CMND lại thật gọn gàng rồi đẩy nó qua phía bà Lan:
- May quá. Bà đã qua dây tôi khỏi mất công trở lại đó. Hồi nãy tới giờ, đồng chí Nhu có trình bày hoàn cảnh mấy chị em và mong được bỏ qua. Nể tình đồng chí Nhu, hơn nữa đây mới là vi phạm lần đầu nên tôi nghĩ lập biên bản là không cần thiết nên tôi sẽ hủy nó.
Nói tới đây Phú lôi từ trong xách cốt ra tờ biên bản mới lập rồi dõng dạc đưa tay xé vụn. Bà Lan thấy thế mừng ra mặt.
- Tôi cũng xin trả lại cho chị em số CMND này. Nhưng ngày mai nhớ lên xã làm sổ tạm trú tạm vắng ngay cho tôi.
Bà Lan nghe vậy càng mừng hơn, vội rối rít cảm ơn cả thầy Nhu lẫn ông cán bộ.
- Thôi! Chào tất cả tôi về.
Chưa dứt lồi, Phú đã nhanh nhẹn đội mũ, đeo xách cốt đứng dậy bắt tay đồng chí Nhu, chào soeur Lan rồi bước ra phía trước hắn nhảy phốc lên chiếc xe đòn dông... dông một lèo. Đợi bóng xe cán bộ khuất hẳn sau vạt rừng, soeur Lan mới nói:
- Thầy Nhu ơi! Sao tôi thấy ông cán bộ này giống cái ông thầy ở trước nhà thờ nhọn quá.
Đã liệu trước nên Nhu tỉnh bơ:
- Có phải bà nói giống ông thầy Phú không ?
Bà Lan reo lên:
- Đúng rồi ! Cái ông thầy đó tên là Phú.
- Bà nói không sai ! Đến tôi đây mà cũng lầm. Ta phải công nhận cái anh chàng cán bộ này sao mà giống ông thầy Phú ghê. Nhưng thầy Phú nhà mình thì đang ở tít ngoài Bồng Sơn, giúp xứ Đại Bình cho cha Son, còn ông này là cán bộ trên tỉnh mới về. Đây chỉ là chuyện người giống người thôi bà soeur của tôi ạ.
...
Câu chuyện đùa này mấy tháng sau đã lọt tới tai Đức cha Các, tuy nóng tính nhưng ngài là người hiểu biết và giàu tình cảm. Cho gọi thầy Nhu lên, ngài nói:
- Eh... ! Cái ông thầy Nhu dám lừa cả tôi há.
Nhu vòng tay thưa:
- Dạ thưa Đức cha con không dám. Chỉ tại tụi con ở trên núi buồn quá nên mới bày ra trò để đùa vui một chút thôi. Xin Đức cha tha lỗi.
Đức cha cười:
- Eh... ! Không được cái trớt gì cả! Ông thì chỉ được cái chọc trời phá nước là giỏi.
Lê Mến HB2