KÝ ỨC VỀ NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI

(Tóm lại, thôi thì hãy cho tôi được mơ về những ngày xưa thân ái đó, cho tâm hồn tôi được bềnh bồng trôi dài và trôi mãi cho đến ngày …đi về nơi chúng ta phải về..) PM.HXT

Gần hơn 2 năm nay, tôi đã quyết định rũ bỏ chuyện viết lách vì rất nhiều nguyên nhân mà tôi không thể viết ra đây. Thế nhưng vào chiều tối nay (20/06) huynh trưởng Phan Đình Thi ngỏ ý muốn tôi viết một bài, làm tôi thật là khó nghĩ và cũng khó từ chối. Thế là tôi đành xin viết dưới dạng hồi ức (coi như nhớ lại, hồi tưởng lại, nhớ gì viết nấy, có thể đúng mà cũng có thể sai). Như vậy, không phải lo những lời bình phẩm đúng sai và nhất là không cần phải “tránh né” nếu nhỡ như vô tình đụng chạm tới những điều cấm kỵ (taboo).

Năm nay tôi đã tròn 66. Già thì có thể chưa già lắm, nhưng trẻ thì không còn trẻ nữa rồi. Trí nhớ và sự phán đoán cũng là một dấu chấm hỏi. Nhưng mặc kệ, tôi xin cứ viết ra những gì tôi nghĩ với những kỷ niệm, ấn tượng còn lưu giữ trong lòng về một thời dưới mái trường xưa: Đại Chủng Viện Hòa Bình – nơi, tôi từ một người ngây ngô, không có chút gì là tự tin của anh chàng mới lớn hồi đó, sau này biến thành một người tràn đầy tự tin, tự hào, vượt qua bao là gian khó như tôi bây giờ.

Câu hỏi sẽ được đặt ra là do đâu và vì đâu mà tôi, cũng như những anh em khác trở thành như chúng tôi sau này…

1/ Trước hết về các cha giáo:

Phải nói rõ ràng rằng ấn tượng lớn nhất của tôi là về các cha giáo, là những người mà tôi đã học được rất nhiều và vươn vai trở thành một một người “lớn” nhiều năm sau và cho đến tận bây giờ.

Như các bạn biết đấy, mỗi một thời, mỗi một ấn tượng khác nhau. Thời còn ở Tiểu Chủng Viện, vị linh mục mà tôi ấn tượng nhất là cha linh hướng Nguyễn Cao Hiên (còn gọi là cha Trương). Với ngài tôi tôn sùng như một vị thánh sống (hồi ấy và mãi đến tận bây giờ khi ngài đã qua đời).

Nhưng đến khi bước lên Đại Chủng Viện (ĐCV Hòa Bình), thì người gây ấn tượng lớn nhất cho tôi lại chính là cha bề trên Phạm Năng Tĩnh. Vâng, An Di Phạm Năng Tĩnh, vừa là giám đốc, vừa là cha giáo về giáo sử.

Dù mỗi người đều có những suy nghĩ, nhận định và đánh giá khác nhau, và cũng không hẳn là tôi không biết gì về ngài những năm sau này (sau 30/04/75). Quả là những năm sau này, có những tiếng đồn thổi, điều tiếng này nọ về ngài, nhưng tôi không quan tâm. Vì tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng trước mặt Thiên Chúa ai dám bảo mình là hoàn hảo (là không có tội, kể cả giáo hoàng).

Ấn tượng của tôi đối với ngài là sự thông minh, sự chịu khó học hỏi, khả năng độc lập trong tư duy dám nghĩ dám làm (theo linh hứng của Thánh Thần).

Ấn tượng tiếp theo sắt son đến kỳ lạ, là luôn giữ tấm lòng con thảo đối với mẹ Maria và qua Mẹ để đến với Chúa Giê-su (per Mariam ad Jesum).

Nhưng ấn tượng lớn nhất của tôi đối với ngài phải kể là sự thông thái uyên bác của ngài về nhiều phương diện, cả về lòng đạo đức của ngài (dù đôi khi phảng phất chút mê tín), cả về sự can đảm gan dạ dám nghĩ dám làm của ngài. Có thể có một số người không đồng tình hoặc đồng cảm. Nhưng có hề gì, vì tất cả những điều đó đã làm cho tôi và một số người anh em của chúng tôi trở thành chính mình, như chúng ta bây giờ: đặc biệt hết sức tự hào và hãnh diện vì mang nơi mình hình ảnh (giống) Thiên Chúa, đồng thời vâng nghe và thực hiện những gì Chúa muốn mà kinh thánh đã mô tả.

Lại theo ngày tháng, trải qua biết bao nhiêu lỗi lầm, được Chúa mở mắt cho nhìn thấy những điều mà ngày xưa không thể nhìn thấu được, nhưng trên hết là cảm thấy rất hạnh phúc khi được làm con Chúa, được giáo dục dưới mái trường Đại Chủng Viện thân thương, được làm một Ki-tô hữu đúng nghĩa.

Nhờ vậy mà sau này, dầu sống dầu chết chúng tôi vẫn phó thác con người và cuộc đời của chúng tôi cho Đức Giê-su mặc cho cuộc đời ra đến đâu thì ra, trôi đến đâu thì trôi…

Ấn tượng tiếp theo là các cha giáo:

Cha Cát thì phớt tỉnh ăng-lê trong mọi sự, lặng lẽ làm tròn việc bổn phận của mình. Cha Đán thì sống nguyên tắc, cái gì cũng nghiêng về lý trí và theo đúng lề luật, bởi vậy mọi người mới ngầm đặt cho ngài cái biệt danh là “reg-lo khô như ngói”(con xin lỗi đã nói phạm đến cha).

Cha Thu thì tuy có hơi “nổ” một tý nhưng lại cho chúng tôi nhiều niềm vui trong giờ học (cười thoải mái).

Cha Hiệp thì mô phạm và hiền lành dịu dàng.

Cha Đăng thì dạy cho chúng tôi sống như một bậc hiền triết, dù trong giờ lớp của ngài đôi khi chúng tôi có cảm giác như ngài xuất thần đi đâu đó…

Rất nhiều và rất nhiều những kỷ niệm và ấn tượng mà tôi không thể nhớ hết và kể hết ra đây. Chẳng hạn như “chó sủa Phước Quang”(cha sở Phước Quang), biệt danh của cha Chung được bề trên mời dạy tiếng “Chung của dzềnh”. Ngài dạy cho chúng tôi tiếng Bắc Kinh, cũng là một trong số những vị linh mục người “Chung của dzềnh” mà chúng tôi rất yêu mến.

Tất cả những điều đó và cả những điều tưởng như hết sức nhỏ nhặt và vô nghĩa ấy đã ảnh hưởng và góp phần hình thành nên con người và tính cách chúng tôi bây giờ cũng như mãi về sau này (không phải hay sao?!).

2/ Thứ hai là các anh em đồng môn lớp trên và cả lớp dưới (vì chúng tôi ở lớp chính giữa hi hi..). Về các anh em đồng môn các lớp 1, 2, 3 thì nhiều chuyện đáng nhớ lắm. Mỗi người hẳn sẽ nhớ một chuyện nào đó cho riêng mình, mà nếu các bạn muốn biết hay nhắc lại, các bạn có thể tìm dịp mà chuyện trò với nhau. Như thế ý nghĩa sẽ đậm đà hơn biết bao. Tiếc là hồi đó chẳng ai chịu ghi chép lại, còn ngày nay thì không ai có tài nào mà ghi nhớ hết được.

Tôi tên Thượng (vần T) nên hồi đó được vinh hạnh sắp xếp ở chung phòng với Lưu Văn Thiên, người địa phận Đà Nẵng. Và từ đây định mệnh đã an bài cho tôi trở nên thân thiết với người anh em xứ Quảng này. Tôi còn nhớ vào những giờ giải lao, tôi hay ôm đàn ghi-ta ngồi hát cho các bạn cùng phòng nghe những bài tình ca lãng mạn cùng điệu bo-le-ro sướt mướt. Chả thế mà có lần gặp những cái lắc đầu, hoặc phê bình thẳng của người anh em đồng môn lớp trên. Là anh Khôi nay là cha Khôi (địa phận Huế) đó! Anh từng nói anh thật không hiểu nổi tại sao đã vào đây (tu) rồi, mà tôi còn còn có thể hát được những bài như thế! (hi hi) Hôm đó tôi hát bài “thu sầu” giọng đàn cung rê thứ vô cùng sướt mướt: “mùa thu thưa nắng gió mang niềm nhớ…”. Cũng dễ hiểu thôi, một người con xứ Huế nghiêm túc như anh (lại giỏi nhạc) làm sao mà chịu nổi tình cảm lãng mạn của bài hát này. Nói thế các bạn cũng có thể tưởng tượng ra sự khó chịu trong giọng “Huế đặc” khi nhắc nhở tôi nên nghiêm túc trong vấn đề này. Nhắc đến Huế thì tôi lại nhớ ra một anh bạn đễ thương khác và cũng tương đối thân cùng lớp tên là Nguyễn Hữu Hiến (hiện là linh mục đang truyền giáo ở Nhật), người tương đối rất cảm thông với tôi ở nhiều phương diện.

Nói chung những kỷ niệm với các anh em đồng môn thì không thể nhớ hết được…

Tôi cũng nhớ những ngày “xả trại”, hình như là chiều thứ năm hay ngày Chúa nhật gì đó, được đi ra ngoài ăn mì quảng hoặc bánh cuốn Tiến Hưng ở trên đường nhà thờ chính tòa.

3/ Thứ ba là môi trường giáo dục của Đại Chủng Viện chúng tôi, hồi đó tuy chưa hoàn chỉnh (vì mới thành lập), nhưng nhờ nỗ lực và sự tận tụy của cha bề trên và các cha giáo đã dần hình thành cho chúng tôi một lề lối và nguyên tắc làm việc rất mô phạm và trên hết là tinh thần tự giác của những người phải trưởng thành trước khi muốn làm linh mục.

Ôi những ký ức! Có những lúc nó ủng hộ tôi, nhưng cũng có những lúc nó phản bội tôi khi lẫn lộn mơ hồ giữa quá khứ, hiện tại và cả đến tương lai nữa…

Thôi thì ta hãy cứ mơ về những ngày xưa thân ái đó, cho tâm hồn được bềnh bồng trôi dài và trôi mãi cho đến ngày chúng ta hoàn thành được sứ mạng mỗi người mỗi khác của chúng ta, dù kết thúc có hoàn hảo hay không, thì chúng ta cũng đã cố gắng hết sức rồi.

Thời gian ở Đại Chủng Viện không dài đối với cuộc đời chúng ta, nhưng những lời giảng dạy và tấm gương sống động của các cha giáo đã ảnh hưởng và tác động đến chúng ta không hề ít. Những tư duy đó, những lời nói và gương sáng đi đôi với giảng dạy đó đã vô hình tạo nên trong chúng tôi những suy nghĩ, những thói quen rất tích cực (tinh ý là chúng ta có thể nhận ra).

Những thói quen đó đã dần tạo nên tính cách và số phận của chúng ta ngày hôm nay. Ở đây tôi không có ý đề cập đến thuyết định mệnh, mà thực ra đang nói về sự an bài qua sự quan phòng mầu nhiệm của Thiên Chúa. Sự quan phòng đó đã được ngài lập trình từ những điều tưởng như hết sức nhỏ bé: “Suy nghĩ tạo nên hành động. Hành động tạo nên thói quen. Thói quen tạo nên tính cách. Tính cách tạo nên số phận. Để đạt được sự thành công hoặc để trở nên người Ki-tô hữu đúng nghĩa, không phải nhờ vận may từ trên trời rơi xuống, cũng không phải tự nhiên có mà cần phải bắt đầu từ những thói quen nhỏ nhất trong công việc và cuộc sống." Những điều đó phải bắt đầu từ trong suy nghĩ của chúng ta, mà những suy nghĩ chúng ta có, hầu hết hình thành nhờ ảnh hưởng và môi trường của giáo dục (mà chúng ta được hưởng), từ những lời giảng dạy của các cha giáo ngày xưa. Ở đây tôi không nhắc đến ơn Chúa, không có nghĩa là phủ nhận, nhưng chúng ta biết ân sủng chỉ đến với những người thiện tâm và nỗ lực hết mình.

Tóm lại, thôi thì hãy cho tôi được mơ về những ngày xưa thân ái đó, cho tâm hồn tôi được bềnh bồng trôi dài và trôi mãi cho đến ngày …đi về nơi chúng ta phải về.

Ainsi-soit-il.

Mừng lễ thánh quan thầy Phê-rô - June 29, 2019

Phê-rô Maria Huỳnh Xuân Thượng (CCS khóa II ĐCV Hòa Bình)