NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG TÂY BẮC
CỦA ANH CHỊ EM CỰU CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN HOÀ BÌNH
NGÀY THỨ NĂM – 8/9/2018

I- BUỔI SÁNG: SÔNG MÃ – MỘC CHÂU

6g30: sau khi check-out khách sạn ở thị trấn Sông Mã, chúng tôi vào nhà xứ Huổi Một để chào cám ơn Cha xứ Phao Lô Nguyễn Công Hiến và cha phó Phêrô Nguyễn Văn Hùng. Cha xứ thật chu đáo khi chuẩn bị cho chúng tôi một bữa ăn sáng no nê với nồi cháo gà đồi ngon tuyệt.

Sau khi nói lời cám ơn, chụp hình lưu niệm với 2 cha trước nhà thờ Huổi Một, chúng tôi từ biệt giáo xứ và lên đường rời Sông Mã về Mộc Châu. Chúng tôi còn một đoạn đường dài nữa để rồi sau đó rời vùng núi Tây Bắc về đồng bằng sông Hồng. Huyện Sông Mã – Sơn La: 98km- đi theo Ql.4G; Sơn La – Mộc Châu: 120km – đi theo Ql.6. Từ Mộc Châu về Nho Quan – Ninh Bình:150km.


Đi ngang cửa khẩu Chiềng Khương – cửa khẩu quốc tế Việt – Lào, nằm bên bờ Sông Mã, anh chị em muốn ghé vào tham quan, nhìn qua đất Lào, nhưng vì không có giờ nên đành luyến tiếc bỏ qua. Riêng tôi, từng ước ao vượt cửa khẩu Chiềng Khương, qua đất Lào, chạy xe thẳng đến Sầm Nứa để được gặp các thiếu nữ Lào xinh đẹp trong điệu múa Lăm Vông mà có một thời đã níu hồn chàng thi sĩ Quang Dũng:

Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
…………………………………
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.
(TÂY TIẾN)


Sông Mã, cái tên rất quen thuộc với những người yêu thơ Quang Dũng qua bài Tây Tiến. “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”, bắt nguồn từ các suối hợp lưu tại Điện Biên Phủ, chảy về Sơn La, đến Chiền Khương thì quặt vào đất Tỉnh Hủa Phăn – Bắc Lào, phiêu du 102km trên đất bạn rồi sau đó trở về Việt Nam qua cửa khẩu TénTằn, Huyện Mường Lát, Tỉnh Thanh Hoá. Trong thời kỳ chống Pháp, đây là vòng cung hoạt động và chiến đấu của Trung đoàn 52 Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng.

Rời Thị trấn Sông Mã, xe chúng tôi hướng về cao nguyên Mộc Châu. Chưa tới Thành phố Sơn La, lại xuống xe thư giản. Chuyện thường tình đã trở nên quá quen thuộc với anh em trên cung đường này: tắc đường chờ thông xe. Anh em và Đức cha đứng bên bờ Sông Mã nhìn những dấu tích tàn phá của nó vẫn còn mới dọc bên đường. Lệnh thông xe vừa ban ra, từng đoàn xe chậm chậm tiến qua đống sình lầy và gạch đá ngổn ngang hướng về thành phố Sơn La. Tài xế Trung kiếm đường tắt vượt qua thành phố Sơn La về Mộc Châu. Sau khi đi qua khỏi vùng lòng chảo huyện Yên Châu giữa 2 dãy núi đá vôi, đoàn mới cảm thấy yên tâm coi như kết thúc con đường khổ ải của hành trình Tây Tiến.


Khi các nương chè bát ngát hiện ra trước mắt là chúng tôi biết đã đặt chân lên vùng đất Mộc Châu. Tôi cố dõi mắt tìm nhưng không tìm thấy hình ảnh lãng mạn ngày xưa thi sĩ Quang Dũng mô tả:

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa.
(Tây Tiến)

Xe về đến Giáo xứ Mộc Châu nằm nép mình nhỏ nhoi bên cạnh Khách sạn Mường Thanh đồ sộ. Hôm nay là ngày Lễ Sinh nhật Đức Mẹ, Đức cha và anh em sẽ dâng lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Mộc Châu. Vì đã 13g, chúng tôi chỉ kịp chào Cha xứ Giuse Nguyễn Công Bình rồi vội vàng chuẩn bị cử hành thánh lễ. Dù chỉ có anh chị em trong đoàn, nhưng thánh lễ rất trang nghiêm, sốt sắng và ấm cúng. Hình như hôm nay anh chị hát hay hơn, anh Ánh đàn nhuyễn hơn, như thầm cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã đồng hành, phù hộ chúng tôi suốt quảng đường gian nan nhưng rất tuyệt vời trong những ngày qua.


Sau Thánh lễ, trong khi chờ cơm trưa, tôi đi ra trước nhà thờ ngắm nhìn ngọn núi Pha Luông (cao 2.000m) xa xa phũ mây trắng xoá. Pha Luông được mệnh danh là thiên đường của Mây và Núi; là đích đến của các “phược thủ” và những khách du lịch yêu thích mạo hiểm.


Tôi cũng mong một lần lên đến đó, nhưng chưa toại nguyện, để được thưởng thức cái cảm giác mà Quang Dũng đã mô tả:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời !
(Tây Tiến)

Hôm nay đoàn được đãi món đặc sản cá chép giòn Sông Đà, vừa lạ miệng vừa ngon. Đó là món quà của Cha Giuse Nguyễn Trung Thoại, Quản hạt Hoà Bình – Sơn La – Điện Biên, Chánh xứ Hoà Bình, đã gửi tặng cho đoàn. Được ăn no nê, còn được thêm một thùng filet đông lạnh để chúng tôi đem về làm quà cho Đan Viện Châu Sơn nhân ngày Lễ Sinh nhật Đức Mẹ, Bổn mạng của Đan Viện. Tiếc là vì bận công tác Mục vụ, ngài không thể từ Hoà Bình lên gặp gỡ đoàn như đã hứa. Và anh em cũng lỡ mất dịp nghe những câu chuyện sống động của Ngài về quảng đời lăn lộn ăn cơm bụi, ở nhà dân trong suốt gần 7 năm trời để loan báo Tin Mừng và tái truyền giáo cho miền Tây Bắc.


II- BUỔI CHIỀU: MỘC CHÂU – CHÂU SƠN (NINH BÌNH)

Chúng tôi cám ơn và từ giã Cha Giuse Nguyễn Công Bình, Ban Hành giáo và các Soeur đã tiếp đãi chúng tôi rất chân tình. Đức cha An Phong định đi thêm một quảng đường nữa với anh em cho tới ngã ba Mãn Đức – Hoà Bình thì Ngài sẽ đón xe buýt đi theo QL.6 về Hà Nội rồi về Sơn Tây, còn chúng tôi sẽ rẽ theo QL.12B đi Ninh Bình về Đan Viện Châu Sơn. Cái tình tha thiết gắn bó với anh em của người bạn đồng môn làm chúng tôi thật xúc động. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sức khoẻ và sự an toàn của Đức cha, chúng tôi khuyên Đức cha nghe theo lời đề nghị của anh Trưởng Ban Hành Giáo lấy xe riêng đưa Đức cha về. Thế là chúng tôi bịn rịn chia tay. Đức cha quyến luyến ôm chặt từng người như không muốn nói lìa xa. Xe rời khỏi nhà xứ mà vẫn thấy Đức cha ngóng theo vẫy tay từ biệt. Có anh chị rơm rớm nước mắt quay lại như cố nắm bắt hình ảnh của người bạn thân thương với:

Đôi dép tả tơi qua các nẻo đường Tây Bắc,
Bụi trường chinh phai bạc áo chùng thâm.


Xe lăn bánh tiếp tục con đường 150km để về Châu Sơn. Còn một ngọn đèo nữa chúng tôi phải vượt qua: Đèo Thung Khe hay còn gọi là đèo Đá Trắng, nằm trên tuyến QL.6 nối giữa Tân Lạc và Mai Châu, Hòa Bình. Đây là cung đèo khá nổi tiếng bởi sự hiểm trở, vẻ đẹp thiên nhiên, và có hẳn một khu chợ nhỏ trên đỉnh đèo, vừa là điểm dừng chân thú vị vừa là nơi ngoạn cảnh rất lý tưởng. Chúng tôi dừng chân trên đỉnh đèo để mọi người có thể ngắm toàn cảnh Mai Châu tuyệt đẹp từ trên đèo. Và cũng để anh chị em lựa chọn mua vài nhánh lan rừng Tây Bắc làm kỷ niệm cho chuyến đi.
Thấy không thể về kịp 6g để cùng tham dự Thánh lễ với Đức Tổng Giuse Ngô Quang Kiệt như chương trình đã định, tôi vội gọi điện cho Ngài để cáo lỗi. Ngài vẫn vui vẻ và hoãn chương trình lại cho ngày hôm sau.


Đúng 8g, xe chúng tôi tới cổng Đan Viện. Một Thầy đợi sẵn mở cổng cho xe chúng tôi vào. Cha Phúc, Quản lý Nhà khách Đan Viện cầm sẵn chùm chìa khoá phòng nghỉ đón tiếp chúng tôi ngay nhà khách. Sau khi sắp xếp xong phòng ốc, ngài thông báo là cơm tối đã chuẩn bị sẵn, chúng tôi có thể dùng ngay kẻo đói.

Không khí tĩnh mịch, yên bình của Đan Viện cùng với sự ân cần chu đáo của các Cha và các Thầy đan sĩ làm cho chúng tôi có cảm giác thật thanh thản và thân thiết giống như người con đi xa được trở về sống lại bầu khí gia đình của những ngày xưa thân ái dưới mái trường Đại Chủng Viện.

“Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ 5.” (Sáng Thế Ký)

DEO GRATIAS