NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG TÂY BẮC
CỦA ANH CHỊ EM CỰU CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN HOÀ BÌNH
NGÀY THỨ TƯ – 07/9/2018

I- BUỔI SÁNG: ĐIỆN BIÊN PHỦ - SƠN LA

6g30 đoàn check-out khách sạn, lên xe đến quán phở của anh chị Văn Hiền (Ban Hành giáo GX. Điện Biên) ăn sáng và uống cà phê. Sau khi nạp đủ năng lượng, dưới sự chỉ huy của tư lệnh An Phong Nguyễn Hữu Long Đại đoàn Hoà Bình chúng tôi tiến quân đánh chiếm Đồi A1 và hầm chỉ huy của tướng De Castries tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Chúng tôi đi dọc sông Nậm Rốn, ngang qua cầu Mường Thanh tiến về khu chiến địa. Tôi vẫn còn nhớ câu thơ của ai đó:

Nậm Rốm tím sương chiều chờ tôi đến,
Mường Thanh xanh líu ríu câu mời?

Tại hầm chỉ huy De Castries, chúng tôi mau chóng triển khai hoả lực với 250.000 viên đan được bắn ra và mau chóng làm chủ toàn bộ trận địa. Tuy nhiên, vừa mới thiết lập Bộ chỉ huy chiến dịch tại hầm chỉ huy không bao lâu thì đối phương ập đến, trở tay không kịp nên tất cả bị bắt làm tù binh và đưa lên miệng hầm. Tù binh gì đâu mà cười toe toét, như mừng vui hồ hởi vừa thoát khỏi trận chiến ác liệt. Tôi nhớ trong lịch sử trận chiến Điện Biên Phủ chỉ có một tù binh nữ duy nhất là cô y tá tên là Genevievede Gallard được mệnh danh là “thiên thần của mặt trận”, còn đoàn tù binh hôm nay quá nhiều “thiên thần” xinh đẹp mà ăn mặc “à la mode” nữa.

Tại Đồi A1, chỉ huy Alfonso của Đại đoàn Hoà Bình, vừa chỉ sơ đồ vừa thuyết minh lại trận đánh đồi A1. Nhìn mái tóc bạc phơ của người anh em đồng môn, tôi chợt nghĩ đến 2 câu thơ của vua Trần Nhân Tông trong bài “Xuân nhật yết Chi Lăng”:

Bạch đầu quân sĩ tại
Vãng vãng thuyết Nguyên Phong
(Người lính già đầu bạc
Kể mãi chuyện Nguyên Phong)


Đứng trước mộ 4 chiến sĩ vô danh của Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 và Trung đoàn 102 thuộc Đại đoàn 308, bên kia là Nghĩa trang Liệt sĩ A1 – Điện Biên Phủ với hơn 600 ngôi mộ, chúng tôi không khỏi bùi ngùi nhớ đến 4 câu thơ của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý:

CỎ CHÂN ĐỒI A1


Tiếng chuông kêu buốt cõi người
Ngổn ngang mây trắng phủ trời Điện Biên
Hàng hàng bia mộ không tên
Mấy rưng rưng cỏ bồi đền Vô danh?


Rời khu di tich Điện Biên Phủ, lòng tôi vẫn miên man suy nghĩ về vận mệnh đất nước: không phài “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã” (Đất nước hai phen chồn ngựa đá) mà sẽ vẫn còn “Xã tắc đa hồi lao thạch mã” (Đất nước bao phen chồn ngựa đá) và càng không như mơ ước của vua Trần Nhân Tông: “Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Những ai đến thăm di tích Điện Biên Phủ, có bao giờ thao thức về những mầm mống hiện tại đe doạ cho sự sống còn của Đất Nước trước thế lực xâm lăng không ngừng đang âm mưu thôn tính Đất Việt? Có bao giờ can đảm hành động thể hiện ý chí hào hùng của dân tộc mình như một nhà thơ đã viết:

“Ta đi từ Chương Dương, Hàm Tử, Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa
…………………………………………………………
Hỡi những mưu ma chước quỷ
Hỡi những khát vọng cuồng điên…
Chúng con có trong mình Điện Biên
Mẹ ơi mẹ, xin mẹ đừng lo lắng
Chim Lạc bay trên mặt trống đồng
Trống Điện Biên dậy sóng biển Đông!”


II- BUỔI TRƯA VÀ CHIỀU TỐI: SƠN LA - SÔNG MÃ – HUỔI MỘT

Từ giã Điện Biên Phủ, chúng tôi lên đường đi Sơn La. Anh Phan Đình Thi cứ tò mò hỏi tôi nghe nói Điện Biên Phủ là thành phố ngợp hoa Ban mà sao không thấy. Tôi chỉ cho anh từng hàng cây hoa Ban dọc đường đi, nhưng tiếc là mùa này không phải mùa hoa Ban nở. Nếu ai đến Điện Biên Phủ nói riêng và Tây Bắc nói chung vào độ cuối tháng 2, sang tháng 3 âm lịch, thời tiết bắt đầu ấm lên là lúc Điện Biên, núi rừng Tây Bắc trắng trời hoa Ban. Thời điểm đó là bắt đầu Lễ hội Hoa Ban mà người Thái vùng Tây Bắc gọi là lễ hội Xên Mường: một hình thức lễ hội cầu an cúng người lập nên bản làng; tưởng nhớ đến các vị thần linh đã khai sáng ra Mường - cách gọi tên vùng đất nơi người Thái đang sinh sống, cầu mong cho người Thái được ấm no, hạnh phúc. Và đó cũng chính là thời điểm trai gái bản làng trao lời hẹn ước cho mối tình chung thuỷ và trắng trong như sắc màu hoa Ban.

Hoa ban nở trắng rừng trời
Tiếng tiêu trong gió ru đời ru em

Xe đưa chúng tôi theo QL.6 hướng về Sơn La cách Điện Biên Phủ 185km. Vừa lên xe, người bạn đồng môn An Phong đưa ra 1 qui định:”Kể từ lúc này, trên xe không ai được gọi là Đức cha hay Cha gì cả, chỉ gọi anh Long, anh (hay em) Điệp, Sơn.” Anh Phan Đình Thi liền cụ thể hoá nghị quyết bằng án phạt: “Mỗi một lần phạm qui là đóng vào quỹ 20.000 đồng.” Sau đó lần lượt anh chị em được chỉ định phát biểu cảm tưởng của chuyến đi. Anh Nguyễn Cang nổ phát sung đầu tiên:”Trọng kính Đức cha…”, thế là móc túi ra nộp 20.000đ, “…như cha Điệp đề nghị…” thêm 20.000đ nữa; chị Ngọc (phu nhân anh Cang) thấy nóng ruột vì hao tài liền giơ tay xin phát biểu: “Thưa Đức cha, con xin có ý kiến…” thế là phải móc thêm hầu bao. Tới phiên chị Thái Hiệp phát biểu, mới nói mấy câu lại phạm qui. Thấy bất ổn chị xin phép nộp 500.000đ mua vé cả ngày tha hồ phát biểu mà không sợ phạm qui. Có người khác cũng noi gương mua vé cả ngày luôn. Tổng kết ngày đầu đã có trên 2.000.000đ để mua quà bánh cho các cháu tại Giáo họ Huổi Một, Sông Mã. Trong xe, tiếng cầu kinh, tiếng cười vui cứ thế tiếp nối nhau trong suốt chặng đường dài.


Sau hơn 80km với gần 2 tiếng rưởi đường trường, xe bắt đầu leo đèo Pha Đin. Một bên là núi đá dựng đứng lảng đảng mây phủ, một bên là vực sâu hun hút và bản làng lác đác. Tại đỉnh đèo chúng tôi dừng chân thư giản và chụp hình kỷ niệm.

Xin nói sơ lược về con đèo này: Đèo Pha Đin có độ cao 1.648 mét so với mực nước biển và dài 32 km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Điểm khởi đầu của đèo cách Thành phố Sơn La về phía Tây 66 km còn điểm cuối của đèo cách Thành phố Điện Biên Phủ khoảng 84 km. Du khách thường xếp đèo Pha Đin vào một trong "tứ đại đèo" vùng Tây Bắc, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Mã Pí Lèng. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, Phạ Đin, trong đó Phạ nghĩa là "trời", Đin là "đất" hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất. Tôi dõi mắt tìm kiếm giữa mây mù trắng xoá hình ảnh của một câu chuyện kể về một cô gái rất đẹp tên Thuỷ yêu rừng, yêu núi bỏ công ty, bỏ phồn hoa phố thị một mình lên đỉnh núi Pha Đin gieo trồng từng hạt thông. Đã 2 lần vượt đèo Pha Đin, nhưng niềm ao ước diệu kiến cô gái kỳ lạ này vẫn không thành. Nhìn xuống thung lũng, chỉ thấy đám mây trắng lơ lững trên những mái nhà sàn ẩn hiện, giống như tà áo người con gái đang phiêu du giữa thảm xanh đại ngàn. Không biết nhà thơ Nguyễn Bính có lần nào vượt đèo Pha Đin giống như tôi đi tìm một người con gái bỏ cả hạnh phúc riêng tư để đến với tình yêu thiên nhiên mãnh liệt, nhưng cuối cùng vẫn không gặp để rồi đành mang nỗi nhớ trở về chốn kinh kỳ để lại 4 câu thơ cho đời:

Làng xa, bản nhỏ, đèo cao
Gió bay tà áo chiêm bao giữa chừng
Anh về luyến núi thương rừng,
Nhớ em đêm sáng một vùng thủ đô.
(Nguyễn Bính)


Rời Pha Đin, chúng tôi thẳng tiến về Sơn La

Sơn La thăm thẳm đường dài
Chồn chân gối mỏi đời trai phong trần


Đến 13 giờ, xe vào Thành phố Sơn La. Chúng tôi ghé vào thăm Nhà nguyện của Giáo xứ Sơn La. Đây là căn nhà của anh Điểm, một doanh nhân, chia ra một phần làm nhà nguyện. Điều thú vị anh là cháu gọi cha giáo Phêrô Trịnh Thiên Thu của ĐCV. Hoà Bình là chú ruột. Ngồi nghe anh kể về những nỗi gian truân khi thành lập giáo điểm này mà thấy thương cho anh và cho những giáo dân ngụ cư trên đất này.

Là người con của vùng đất Gia Viễn, Ninh Bình. Anh lên Sơn La lập nghiệp. Từ thành công trong kinh doanh, anh nghĩ đến đời sống Đức tin cho các anh chị em công nhân và giáo dân từ miền xuôi đến làm ăn, sinh sống tại Sơn La. Anh liền dùng 1 phần đất tại căn nhà ở Tổ 4, P.Quyết Thắng, TP.Sơn La dựng nên ngôi nhà nguyện nhỏ xinh xắn và ấm cúng. Anh qui tụ từng anh chị em giáo dân đến đọc kinh cầu nguyện, lập danh sách để báo cáo với chính quyền xin chấp thuận nơi đây là 1 giáo điểm. Biết bao khó khăn anh và giáo dân phải kiên trì cương quyết đối phó, vượt qua mọi trở ngại, cấm đoán để thiết lập nên cộng đồng Dân Chúa và sinh hoạt Tôn giáo để cùng giữ vững Đức tin ở vùng được chủ trương là vùng trắng tôn giáo này.


Sau khi ăn trưa dã chiến với xôi và bánh mì mà anh chị em Ban Hành Giáo Điện Biên chuẩn bị sẵn từ sáng sớm cho chúng tôi mang theo. Chúng tôi vào Nhà nguyện viếng Chúa, đọc kinh cầu nguyện cho Cha giáo Phêrô Trịnh Thiên Thu.


Rời Thành phố Sơn La, chúng tôi lên đường theo quốc lộ 4G vào huyện Sông Mã với khoảng cách 98km để Đức cha An Phong và các Cha của đoàn còn kịp dâng Thánh lễ tại Huổi Một. Đoạn đường này cũng vừa bị hư hại nặng sau cơn lũ vừa qua. Có những đoạn vừa được thông đường còn lầy lội, hoặc có đoạn phải dừng lại chờ xe ủi dọn đường nên dù chưa tới 100km mà phải mất hơn 4 tiếng mới tới nơi. Trước đó, thánh lễ dự kiến cử hành lúc 17g. Thấy tình hình không thể về kịp đúng giờ lễ như dự định, Đức cha điện thoại cho Ban hành Giáo Giáo xứ Huổi Một nấu mì gói cho các giáo dân ở xa dùng tạm, nhất là giáo dân người H’Mong phải đi bộ mấy chục cây số đường núi đến dự Thánh lễ. Đúng là một Mục tử luôn lo lắng cho đoàn chiên.

Đúng 19g xe đoàn mới đến thị trấn Sông Mã rồi đi thêm 10 cây số để đến Huổi Một. Thấy xe đoàn đến, cộng đoàn giáo dân cả Kinh lẫn H’Mong đều vây đến chung quanh Đức cha vỗ tay mừng rỡ Nhìn đoàn chiên từ bé đến già, Kinh lẫn H’Mong tíu tít bên Đức cha An Phong, chúng tôi thật xúc động quên hết mệt nhọc đường xa và cái đói cồn cào.


Không kịp nghỉ ngơi, Đức cha và các cha trong đoàn chuẩn bị cử hành thánh lễ ngay. Thánh lễ song ngữ Việt-H’Mong được cử hành trong bàu khí trang nghiêm và thánh thiện, hình như sự ngăn cách về ngôn ngữ không còn nữa mà chỉ còn một thứ ngôn ngữ duy nhất: Lời Chúa. Bài giảng của cha Antôn Nguyễn Huy Điệp vừa đơn sơ, vừa dí dỏm nhưng thấm sâu tận vào lòng người, được một thanh niên dịch ra tiếng H’Mong để mọi người H’Mong điều hiểu.

Hôm nay Đức cha An Phong cũng rất là tâm lý khi mặc chiếc áo lễ thêu hình Chúa Chiên lành mà anh em đồng môn CCS. ĐCV.Hoà Bình tặng cho Ngài nhân kỷ niệm 5 năm Hồng ân Giám mục.

Sau Thánh lễ, anh chị em trong đoàn cùng với các Dì Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá chia nhau đi phát qùa cho các cháu. Đó là nhờ vào những lần phạm quy của anh chị em trong suốt cuộc hành trình từ Điện Biên đến Sông Mã.

Cuối cùng mọi người được Ban Hành Giáo Huổi Một chiêu đãi một bữa ăn tối thịnh soạn với các món đặc sản vùng Sơn La – Sông Mã.
Gần 22g30, chúng tôi mới quay về check-in khách sạn ở thị trấn Song Mã. Một ngày thật vất vả nhưng đầy hạnh phúc khiến anh chị em tạ ơn Chúa và an lành đi vào giấc ngủ một cách mãn nguyện.

“Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ 4.” (Sáng Thế Ký)

DEO GRATIAS