NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG TÂY BẮC
CỦA ANH CHỊ EM CỰU CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN HOÀ BÌNH
CỦA ANH CHỊ EM CỰU CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN HOÀ BÌNH
NGÀY THỨ BA – 06/9/2018
I- BUỔI SÁNG: LAI CHÂU – MƯỜNG LAY
Mới sáng tinh mơ, anh Quyền – Trưởng Ban Hành Giáo Lai Châu - đã có mặt tại khách sạn để đưa đoàn đi ăn sáng. Anh còn cẩn thận mang theo gần 40 hộp xôi và 40 ổ bánh mì đề phòng đoàn ăn đỡ dạ khi tắc đường. Đúng là cái tình và sự chỉn chu của người Tây Bắc. Sau khi check-out khách sạn, xe đoàn đến quán Phở Cười để nạp năng lượng và tăng thêm nụ cười chuẩn bị cho 1 ngày vượt cung đường khó khăn và vất vả nhất trong chuyến đi.
Thành phố Lai Châu buổi sáng thật đẹp và tĩnh lặng. Một số anh chị cố tranh thủ chụp nốt vài tấm hình kỷ niệm tại thành phố trẻ này và cảm thấy luyến tiếc vì lưu lại Lai Châu quá ngắn, không đủ thời gian để khám phá hết vẻ đẹp và văn hoá của vùng đất ngày xưa có tên Phong Thổ và Tam Đường (trước khi thành lập thành phố Lai Châu mới tại đây, vùng đất này là 1 phần của 2 huyện trên) với 20 cộng đồng dân tộc sinh sống như H’Mong, Lự, Giáy, Dao, Thái, La Hủ, Hà Nhì, Si La . Tôi còn nhớ, cách đây gần 30 năm, chính xác là vào năm 1992, tôi đã đưa một giáo sư Sử học người Luxembourg đi từ Điện Biên Phủ đến đây để tìm hiểu lễ hội “Mùa yêu” của các bản H’Mong trên đỉnh núi Nùng Nàng (khu vực có cà phê Tam Đường Tea mà đoàn đã đến đêm qua). Lúc đó là vào mùa xuân, mùa đẹp nhất Tây Bắc. Hoa cải phũ vàng cả vùng núi. Cả núi đồi vang lừng tiếng khèn và kèn lá của các chàng trai H’Mong chiêu dụ các cô gái H’Mong ăn mặt thật đẹp đang múa hát trên đồi. Tiếp đến là tục “kéo vợ”: các chàng trai cướp vợ đem về nhà chăm sóc 3 ngày trước khi đem sính lễ qua nhà gái để xin cưới dâu. Tiếc là hôm nay chúng tôi đến đây không đúng dịp “mùa yêu” để khám phá phong tục “kéo vợ” đặc sắc này.
Sau khi thưởng thức cà phê tại quán “The Moon – Trung Nguyên”, đoàn lên xe chuẩn bị tiếp tục Tây tiến. Chị Thu, trưởng ca đoàn Lai Châu mặc áo dài đỏ thật đẹp và trang trọng đã hát chào tạm biệt đoàn bằng một bài hát riêng của vùng Tây Bắc. Cuộc chia tay thật dễ thương và đầy tình nghĩa ấm áp.
Tạm biệt phố núi. Tạm biệt thành phố tình yêu. Tạm biệt cộng đồng giáo dân Lai Châu non trẻ tuổi đời nhưng già dặn, vững vàng và kiên trung trong Đức Tin ở một miền đất vẫn còn được xem là vùng trắng tôn giáo. Cũng xin gửi lời cám ơn đặc biệt đến cha Phêrô Phan Kim Huấn – Chánh xứ Lai Châu – dầu phải vắng mặt để đi thường huấn tại Sơn Tây, vẫn không quên sắp xếp nơi ăn chốn ở cho đoàn chúng tôi một cách chu đáo. Xin cám ơn anh Quyền, chị Thu và Ban hành giáo Lai Châu đã nhiệt tình lo lắng cho chúng tôi một cách đặc biệt. Nguyện xin Chúa luôn phù hộ và đỡ nâng cho giáo xứ luôn bình an và tiếp tục phát triển trong khó khăn và phong ba bão táp.
Xe bắt đầu lăn bánh rời phố núi hướng về thị xã Mường Lay cách Lai Châu khoảng 100km. Tiếc là đoàn không được khám phá chợ phiên San Thàng – chợ phiên tiêu biểu của các dân tộc miền Tây Bắc - nằm bên QL.4D ngay cửa ngỏ vào thành phố Lai Châu, vì chợ chỉ họp vào ngày Thứ Năm và Chúa Nhật. Đoàn chúng tôi có cái hẹn với giáo điểm Mường Lay lúc 10g00 để cử hành thánh lễ cho cộng đồng giáo dân tại đây. Trong lòng tôi bỗng dưng hơi phập phồng lo âu. Trước khi chuyến hành hương bắt đầu, tôi đã thu thập đầy đủ thông tin về đoạn đường này. Trong tháng Bảy và tháng Tám, những cơn lũ quét xảy ra liên tục khiến các huyết lộ giao thông của vùng này, đặc biệt là QL.12 nối Lai Châu với Điện Biên bị sạt lở nghiêm trọng khiến mọi phương tiện giao thông đều bị ách tắc. Nhờ ơn Chúa, từ ngày đoàn lên đường, thời tiết bỗng đẹp lên và nắng ráo lạ thường, đến nỗi cô receptionist ở khách sạn Châu An-Lai Châu nói đùa với tôi:”Mấy ngày trước khi các bác đến, mưa lũ liên tục, thế mà mấy hôm nay lại nắng ráo. Chắc nhờ các bác đem chút nắng miền Nam ra cho chúng cháu.” Tuy nhiên trong thâm tâm, lòng tôi vẫn không yên. Chỉ cần một cơn mưa nhỏ chợt đến kéo theo từng mảng đất đá trên sườn núi đổ ập xuống là mọi kế hoạch tan theo mây khói, vì tối nay đoàn phải về kịp đến Điện Biên Phủ để mừng đúng 5 năm hồng ân Giám Mục của Đức cha An Phong. Cha Điệp lại bắt đầu xướng kinh. Tôi cũng cầu xin Chúa và Mẹ thương cho chúng tôi được vượt qua đoạn đường này một cách suông sẻ.
Xe đi qua mấy đoạn sạt lở vừa được khai thông, bên tay phải là dòng sông Nậm Na (1 chi lưu của sông Đà) vẫn lặng lờ chảy hiền hoà không có chút gì hung hãn khiến tôi cảm thấy an tâm đôi chút. 2 nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp của đoàn là Trịnh Văn Hồng và Nguyễn Huy Dân vẫn lăm lăm máy ảnh để thu vào ống kính mọi cảnh vật trên đường đi, kể cả những đoạn sạt lở.
Vừa qua khỏi đập Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ - tỉnh Lai Châu) xe bỗng chạy chậm lại rồi dừng hẳn lại. Tôi vừa nhỏm dậy thì tài xế Trung-Sumo phán một câu ngắn gọn:”Tắc đường”. Nhảy xuống khỏi xe đã thấy một đoàn xe đang nằm chờ phía trước với tấm bảng chắn ngang đường:
Nhìn đồng hồ, lúc đó là gần 9g, có nghĩa là phải chờ 30 phút nữa mới thông đường. Nhìn về phía trước, một đống đất đá sạt xuống lấp ngang đường đến tận bờ sông. Tôi tiến về phía xe ủi đang ủi đất đá xuống sông. Hỏi người công nhân đang lái xe: “Bao giờ thì thông được đường, thưa anh?”. Anh trả lời:”Cũng chưa biết.” Tôi thấy tình hình có vẻ không ổn nên bấm điện thoại gọi cho anh Tin, Trường Ban Hành Giáo giáo điểm Mường Lay thông báo là đang bị tắc đường ở Chăn Nưa, không biết bao giờ mới thông đường. Anh bảo như vậy nhanh nhất cũng phải gần 13g mới về đến Mường Lay. Vì đa số giáo dân là công nhân, không thể xin nghỉ thêm buổi chiều nên anh đề nghị huỷ thánh lễ. Thêm nữa, đoàn còn phải đi cho kịp về Điện Biên mà tình hình đường sá như thế không biết đoàn có về đúng hẹn với Đức cha An Phong không? Chúng tôi đồng ý với anh Tin theo phương án là chỉ ghé giáo điểm đọc kinh, viếng Thánh thể rồi dùng cơm với Ban Hành Giáo, sau đó lên đường cho kịp cuộc hẹn với Đức cha An Phong.
Trên xe, anh chị em bắt đầu nhấm nháp xôi và bánh mì để lót dạ. anh chị cũng không quên chia sẻ phần ăn với các công nhân đang làm nhiệm vụ. Đúng 9g45, người công nhân cầm cờ phát tín hiệu thông đường. Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm thầm tạ ơn Chúa.
Xe lại tiếp tục lăn bánh với tốc độ rất chậm vì còn rất nhiều điểm sạt lở khác vừa mới được sửa tạm. Đúng 13g, xe vào thị xã Mường Lay, anh Tin đón đoàn chúng tôi ngay cửa ngỏ thị xã và đưa chúng tôi về ngôi nhà nguyện mới vừa xây xong.
Xin dừng lại đôi chút để nói về thị xã này để các bạn rõ hơn. Trước năm 2004, Mường Lay có tên là Thị xã Lai Châu trong đó có huyện Mường Lay, là thủ phủ của tỉnh Lai Châu (lúc đó bao gồm cả Điện Biên). Sau khia chia tách tỉnh thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên năm 2004, năm 2005 thị xã Lai Châu đổi tên thành Thị xã Mường Lay và huyện Mường Lay đổi tên thành Mường Chà thuộc tỉnh Điện Biên. Khi dự án Thuỷ Điện Sơn La bắt đầu triển khai, với mực nước cao 213m so với mực nước biển, có nghĩa là toàn bộ các khu vực dân cư, hành chính của thị xã trước đây đã ngập chìm dưới lòng hồ. Công tác di dời toàn bộ dân cư hoàn thành vào năm 2010. Thị xã Mường Lay ngày nay đang trong quá trình xây dựng lại.
Sau khi cầu nguyện, viếng Thánh thể và dùng cơm trưa với anh Tin và Ban Hành giáo tại nhà nguyện Mường Lay.
Đoàn chúng tôi từ giã mọi người và lên đường về Điện Biên để kịp mừng lễ Đức cha và ngày mai sẽ cùng Đức cha “tiến chiếm Hầm De Castries và đồi A1 – Điện Biên Phủ.
II- BUỔI TỐI: ĐIÊN BIÊN PHỦ: MỪNG 5 NĂM HỒNG ÂN GIÁM MỤC ĐỨC CHA AN PHONG NGUYỄN HỮU LONG
Đúng 14g00, xe đoàn rời thị xã Mường Lay hướng về Điện Biên Phủ. Vì QL.12 nối liền Lai Châu và Điện Biên trước đó bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn xã Huổi Lênh huyện Mường Chà nên Trung – Sumo quyết định sẽ đi theo QL.6 về thị trấn Tuần Giáo và đi theo QL.279 về thành phố Điện Biên Phủ. Đường có xa hơn chút nhưng an toàn hơn.
17g00: Xe của đoàn đi qua sân bay Điện Biên tiến vào thành phố. Anh Luca Cấp, phụ trách ngoại vụ Giáo xứ Điện Biên đón đoàn ngay tại Bến xe Điện Biên và đưa đoàn về nghỉ tại khách sạn Hải Thi – số 110 đường Nguyễn Chí Thanh – Tp. Điện Biên Phủ. Chúng tôi chỉ có đúng 30 phút để tắm rửa rồi lên xe vào nhà xứ Điện Biên cách đó 10km.
17g45: xe đoàn tiến vào cổng nhà xứ. Đức cha An Phong đã có mặt tại nhà xứ để đón đoàn. Anh em tay bắt mặt mừng. Có người đã 43 năm mới được gặp lại người anh em của mình. Nhìn khuôn mặt tươi cười rạng rỡ của Đức cha chào đón hỏi thăm từng thành viên trong đoàn, chúng tôi hết sức xúc động với tấm lòng của Đức cha và phải nể phục sức làm việc của người anh em này. Sau 4 ngày (chiều 3/9 – sáng 6/9/2018) hội thảo của “Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng” mà Đức cha là chủ tịch kết thúc ở Huế vào lúc 9g30, ngày 6/9/2018 Đức cha vội vã đáp máy bay ra Nội Bài rồi tiếp tục lên chuyến bay đi Điện Biên Phủ để kịp đón đoàn từ Lai Châu về Điện Biên.
Bữa cơm tối mừng Đức cha và đoàn đã được Ban Hành giáo Giáo xứ Điện Biên chuẩn bị sẵn với đủ các món đặc trưng của vùng Điện Biên. Cùng tham dự có khoảng 100 cháu H’Mong đang lưu trú tại Nhà Lưu trú Giáo xứ Điện Biên.
Sau cơm tối, cộng đoàn chuẩn bị bước vào phần long trọng và ý nghĩa nhất của ngày 6/9: Thánh lễ Tạ ơn 5 năm Hồng ân Giám mục của Đức cha An Phong.
5 năm: thời gian quá ngắn so với một đời người, nhưng cũng là quảng đường đầy thử thách cam go cho vị Giám mục trót “mang vào mình Mùi Chiên” này.
5 năm đủ biến mái tóc còn xanh trong ngày phong chức thành mái tóc điểm đầy sương giá. Cái sương giá dày thêm qua những ngày buốt giá mùa đông hay nắng cháy mùa hè, băng rừng vượt suối đến những rẻo cao của sườn núi Phanxipan để sống Mục vụ và dâng Thánh lễ cho những giáo dân H’Mong giữa âm u đại ngàn. Cái sương giá hình thành từ những lần lội bộ hàng mấy chục cây số đường rừng để vào các bản làng xa xôi thăm đàn chiên mà lại bị cấm đoán dâng lễ và bị xua đuổi trở về hàng trăm cây số giữa đêm đen của rừng rú và vực thẳm. Cái sương giá càng tăng thêm theo nỗi lo toan vất vả ngược xuôi tìm kiếm sự giúp đỡ để dựng những nhà nguyện cho các giáo họ, giáo điểm miền núi, hay làm những hệ thống dẫn, bơm và lọc thành nước sạch từ các nguồn suối cho bà con H’Mong sử dụng. Nhưng sương giá trên tóc Người cũng là dấu chỉ muối men gieo rắt khắp nẻo đường Tây Bắc có dấu chân người Mục tử đã đi qua.
5 năm cũng là đánh dấu một đoạn đường thấm đẫm hồng ân mà Thiên Chúa đã dành cho người con Mục tử của mình, như có lần Đức cha An Phong đã tâm sự:”Mình nhận được quá nhiều hồng ân của Chúa. Từ một linh mục “sách vở”, Giám đốc Đại chủng viện, trở thành một Giám mục phụ tá của một giáo phận trải dài trên 8 tỉnh trong đó, ngoại trừ thị xã Sơn Tây thuộc Hà Nội, còn lại đa phần là vùng núi rừng Tây Bắc, nhiều khi mới tưởng tượng đoạn đường đi Mục vụ với hàng ngàn cây số, trong đó có vài trăm cây vào tận rừng sâu, mình sợ sức mình không kham nỗi. Thế mà Chúa đã tiếp sức cho mình làm được tất.”
Với tâm tình đơn sơ và gắn bó với đàn chiên, Đức cha An Phong không muốn tổ chức ngày kỷ niệm rềnh rang nơi phồn hoa phố hội, mà âm thầm về dâng Thánh lễ Tạ ơn nơi Giáo xứ non trẻ Điện Biên cùng với các bạn đồng môn ĐCV.Hòa Bình và giáo dân Kinh – H’Mong.
Và cũng trong tâm tình Tạ ơn Hồng Ân đó, Thánh lễ được cử hành thật trang nghiêm, ấm cúng với lời kinh tiếng hát bằng 2 thứ tiếng Việt – H’Mong: dấu chỉ của thành quả 5 năm bước chân đi “mang vào mình Mùi Chiên” của vị Giám Mục phụ tá GP. Hưng Hoá trên vùng rừng núi Tây Bắc.
Sau Thánh lễ, giáo dân Việt- H’Mong Điện Biên, các cháu thiếu nhi, các cháu lưu trú sinh H’Mong đã cùng đoàn CCS.ĐCV Hoà bình tổ chức bữa tiệc trà nhỏ mừng Đức cha An Phong.
Những cây pháo hoa được đốt lên như ước nguyện lan toả ánh sáng Đức tin qua khắp vùng biên ngoại, chiếc bánh hình Sách Thánh biểu tượng Loan báo Tin Mừng mà đoàn đặt tặng Đức cha đã được cắt ra và chia cả cộng đoàn để cùng chia sẻ 5 năm Hồng Ân Thiên Chúa đến với Người.
Nhân dịp này đoàn cũng đã gửi cho Đức cha một số học bổng cho các cháu H’Mong tại lưu xá Điện Biên và tiền hổ trợ cho lưu xá. Đó là chút tấm tình nhỏ nhoi của anh chị em đồng môn với người bạn thân yêu của mình.
Để kết thúc, xin mượn lời hát của cả cộng đoàn hát trong phần nghi thức chúc mừng Đức Cha trước Thánh lễ:
Đời con là những nốt nhạc thiêng
Chúa thêu dệt nên thành khúc ca tuyệt vời
Đời con là khúc hát tri ân
xin dâng một đời lời tạ ơn thiên Chúa
Tạ ơn vì Chúa đã rộng ban phúc ân
tràn lan tình mến thương vô vàn….
Xin tạ ơn con xin tạ ơn Chúa
mãi muôn đời con xin tạ ơn Chúa.
Dù trần gian bao khó nguy ngập tràn,
tình Ngài thương con bước đi bình an
Xin ngợi ca bao la tình thương Chúa
mãi muôn đời ca vang tình thương Chúa
Trọn niềm tin con phó trong tay Ngài
vì đời con tất cả là hồng ân.
Điện Biên Phủ, 6/9/2018
“Qua một buổi chiều và một buổi sáng : đó là ngày thứ 3.” (Sáng Thế Ký)
DEO GRATIAS