NHẬT KÝ HÀNH HƯƠNG TÂY BẮC
CỦA ANH CHỊ EM CỰU CHỦNG SINH
ĐẠI CHỦNG VIỆN HOÀ BÌNH
NGÀY THỨ HAI – 05/9/2018

I- BUỔI SÁNG: GIÁO HỌ HẦU THÀO – SAPA

6g30: Sau một giấc ngủ thật ngon trong không khí mát mẻ của mùa thu Sapa, cả đoàn thức dậy, vệ sinh cá nhân và dùng điểm tâm ngay tại khách sạn rồi lên đường vào Giáo họ Hầu Thào để dâng Thánh lễ cùng với giáo dân H’Mong. Vì đường nhỏ và hư hõng nhiều xe lớn không đi được nên đoàn đành thuê 2 xe 16 chỗ để vào Hầu Thào.

Buổi sáng trời thật đẹp. Trên đường đi, dãy Fanxipan như vừa thức giấc vươn mình khỏi những áng mây. Bên dưới là thung lũng Mường Hoa với những bản làng H’Mong tuyệt đẹp đang chìm trong làn sương sớm: Bản Tả Van, bản Cát Cát.


Cuối cùng, xe cũng đến Giáo Họ Hầu Thào nằm trên ngọn núi đối diện với Fanxipan hùng vĩ.

Giáo họ Hầu Thào thuộc Thôn Hang Đá, Xã Hầu Thào, Huyện Sa Pa, Tỉnh Lào Cai, được thành lập vào năm 1926, nghĩa là đã 92 năm đức tin vẫn kiên trung tồn tại và đâm chồi nảy lộc dù qua bao gian lao, khó khăn và cấm đoán. Ngày 06.06.2014, Đức cha Gioan Maria Vũ Tất, Giám mục Giáo phận Hưng Hóa chủ tế Thánh lễ Tạ Ơn và Cung Hiến nhà thờ Hầu Thào – giáo xứ Sapa với tước hiệu Thánh Gia. Hiện nay, cha Phêrô Phạm Thanh Bình làm quản nhiệm giáo xứ Sapa, trong đó có giáo họ dân tộc Hầu Thào với 1.000 giáo dân toàn H’Mong . Thầy Giuse Má A Cả, mà anh chị em đã đã được gặp tối qua, là người con ưu tú của giáo họ Hầu Thào và là chủng sinh đầu tiên người H’Mông hiện đã hoàn thành chương trình tu học của Đại chủng viện và chờ ngày bước lên bàn Thánh, đem lại niềm hãnh diện cho giáo dân H’Mong nói chung và giáo họ Hầu Thào nói riêng.

Khi gặp các giáo dân H’Mong từ các rẻo cao của sườn núi Fanxipan đi bộ tụ tập về đây chờ dự Thánh lễ, anh chị em trong đoàn hầu như ai nấy đều xúc động. Đây là lần đầu tiên anh chị em trong đoàn dự thánh lễ với giáo dân H’Mong ngay trên đỉnh núi của vùng đất họ sinh sống.


Thánh lễ khởi đầu với Ca nhập lễ “Tôi mừng vui” của Thánh vịnh 121 do nhạc sĩ Kim Long phổ nhạc được cộng đồng cất lên bằng tiếng H’Mong như nói lên tâm tình của những người con núi rừng khát khao mầu nhiệm Thánh thể đến dường nào.


Anh chị em trong đoàn đã đắm mình và hoà nhịp với âm thanh khúc hát ban mai của núi rừng Tây Bắc và không thể nào quên được cái cảm giác tuyệt vời khi thưởng thức giai điệu thiên nhiên hoang sơ tinh khôi, thần tiên, hồn nhiên đầy ấp tình Chúa giữa đại ngàn. Khúc hát thánh ca ban mai của những những nguười con Chúa vùng Tây Bắc như phép lạ biến một miền rừng hoang sơ, kỳ bí, bừng sáng long lanh hơn trong bình minh; cho những váy áo đầy sắc màu trong thánh đường thắm sắc rực rỡ hơn và cuộc sống dù đơn sơ vẫn luôn ấm áp ngọt ngào tràn niềm vui sống đạo và sự bền vững trong đức tin, cậy, mến qua bao năm tháng.

Điều đáng ngạc nhiên là dầu đây là lần đầu tiên được tiếp xúc và dự chung Thánh lễ với giáo dân H'Mong, nhưng anh chị em trong đoàn cũng vừa nhìn lên màn hình hiển hiện tiếng H'Mong vừa say sưa hát theo bằng cả trái tim mình. Với sợi dây liên kết trong đức tin và đức ái, bây giờ không còn người Kinh hay H'Mong, Dao đỏ... mà chỉ còn là một cộng đoàn con Chúa thống nhất không bị ngăn cách bởi tháp Babel.

Thánh lễ kết thúc với bài “Tswv ntuj kev hlub” (Ca vang Tình yêu Chúa) của Gia Ân và Hwm Niam Mab Liab (Dâng Mẹ) để rồi những người con núi rừng mang tình yêu Chúa, tình Mẹ Maria trở về với nương rẫy, với suối ngàn và để lại cho anh chị em trong đoàn niềm nhớ thương luyến tiếc.


Cuối cùng, không hẹn mà nhiều anh chị trong đoàn đã cùng phát biểu một cảm nghỉ như nhau: "Ua tsaug (cám ơn) các bạn H'Mong, chính các bạn đã củng cố thêm đức tin cho chúng tôi"
Mam mus zoo - Mam Sib ntsib dua: tạm biệt các bạn - hẹn gặp lại.

Xin mượn bài thơ Thầy Giuse Đinh Thế Tuyền đã sáng tác trong chuyến đi hành hương Tây Bắc cùng lớp Phaolô chúng tôi năm 2015 để kết thúc bài viết này.

EM BÉ H’MÔNG

Có…
Tiếng pha lê thánh thót trên đỉnh núi
Vọng ngân lời chúc tụng Chúa Càn Khôn
Có âm vọng dịu trong hơn tiếng suối
Reo chan hòa ánh sáng Đấng Chí Tôn
Có…
Tiếng xào xạc dấu chân nai nhẹ bước
Dưới tán rừng cây nở ngọc - Sapa
Rung với gió tiếng khèn tung sóng lướt
Xanh hy vọng về bên suối Tình Cha
Có…
Tiếng xôn xao lá chạm mùa vui thỏa
Khấp khởi mừng đón ánh Bình Minh xanh
Ngày ngập nắng Niềm Tin Yêu bừng tỏa
Đong mắt Trời cả giọt sáng long lanh
Có…
Tiếng líu lo Sơn Ca ngân vời vợi
Bay vút trời khắp đỉnh Phan Xi Păng
Tơ vàng sợi lóng lánh Niềm Tin mới
Thanh dáng đời hương nắng nhẹ tung tăng
Có…
Tiếng róc rách suối thầm thì từng giọt
Cho phiến hồn đắm mình làn nước thiêng
Xuôi nhẹ chảy Đại Dương Lòng Thương Xót
Mát câu đời rung điệp khúc đoàn viên
Em bé H’Mông hỡi !
Trái tim núi rừng ơi !
Tiếng em bay vút tận trời
Tụng ca Thiên Chúa muôn đời hiển vinh !

Dzuy Sơn Tuyền (Sapa mùa nắng….)

II- TRƯA VÀ CHIỀU NGÀY 5/9/2018: SAPA - LAI CHÂU

Từ Hầu Thào, đoàn chúng tôi trở về Nhà thờ Sapa để thăm quan, chụp hình và viếng mộ Đức cha Phaolô Lộc (Paul Ramond), người có công thành lập Giáo xứ Sapa vào năm 1902 và Cha Ydiart Alhor Jean Thịnh, là linh mục chính xứ cuối cùng thuộc M.E.P. đã bị sát hại vào năm 1948.



Sau khi được nhà xứ Sapa chiêu đãi bữa cơm trưa với món lẩu cá tầm đặc biệt nuôi tại Thác Bạc, Đoàn từ gỉã Thầy Điệp, Thầy Má A Cả và Ban Hành Giáo Giáo xứ Sapa lên đường đi Lai Châu.

13g00: Xe đưa chúng tôi xuôi theo QL.4D về hướng Lai Châu. Rời khỏi Sapa 12km, chúng tôi dừng tại Tháp Bạc nằm ở độ cao 200m là thượng nguồn của dòng suối Mường Hoa với độ cao 1.800m nằm dưới chân đèo Ô Quy Hồ., thuộc xã San Sả Hồ, Huyện Sapa, Tỉnh Lào Cai.

Đèo Ô Quy Hồ
13g30: Đoàn lên xe tiếp tục chinh phục đèo Ô Quy Hồ còn có tên gọi là đèo Hoàng Liên (do đèo vượt qua dãy núi Hoàng Liên Sơn) hoặc đèo Mây do trên đỉnh đèo quanh năm mây phủ, được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Tây Bắc. Nằm trên tuyến quốc lộ 4D cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đèo Ô Quý Hồ nối liền Lào Cai và Lai Châu với đỉnh đèo cũng chính là ranh giới giữa hai tỉnh này, trong đó 2/3 quãng đường thuộc địa phận huyện Tam Đường, Lai Châu; 1/3 còn lại nằm ở phía Sa Pa, Lào Cai. Đây có lẽ là một con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc Việt Nam, với chiều dài lên tới gần 50 km dài hơn cả đèo Pha Đin (dài 32 km, nằm ở ranh giới tỉnh Sơn La và Điện Biên) hay đèo Khau Phạ (gần 40 km, thuộc Yên Bái). Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là “vua đèo vùng Tây Bắc”. Đoàn dừng lại tại đỉnh đèo Ô Quy Hồ ở độ cao 2073m, giữa mây núi ngút ngàn còn được gọi với cái tên Cổng Trời để anh chị em thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của cung đường Tây Bắc.


Rời Cổng trời, xe tiếp tục lượn quanh những đường đèo khúc khuỷu. Còn đến 36km nữa mới rời đèo Ô Qui Hồ. Cha Giuse Nguyễn Huy Điệp không quên trách nhiệm của mình, bắt đầu xướng kinh lần chuỗi Mân Côi. Có Chúa và Mẹ Maria đi cùng chẳng còn sợ hiểm nguy.

Hết giờ kinh nguyện cũng là lúc xe đổ dốc xuống đường bằng. Tôi chợt nhớ qua khỏi đèo sẽ có một đoạn ruộng bậc thang rất đẹp, vậy là báo cho Trung chuẩn bị dừng lại để anh chị em chụp hình. Vì đang là tháng 9 nên lúa mới lên xanh, không vàng ươm như tháng 4 tháng 5. Tuy nhiên cảnh vật cũng làm anh chị em mê tít.

16g30: cột mốc biểu tượng của Thành phố Lai Châu xuất hiện trước mắt. Xe bắt đầu chầm chậm tiến vào thành phố. Anh Quyền, Trưởng Ban Hành Giáo Giáo xứ Lai Châu đón chúng tôi ngay đầu thành phố và dẫn đường đưa chúng tôi vào khách sạn Châu An nằm ngay trung tâm thành phố.


Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là thành phố đầy cây xanh, hồ nước và yên tĩnh đến lạ thường. Hầu như rất ít thấy dòng xe xuôi ngược như các thành phố khác. Đường rộng thênh thanh mà chỉ có xe chúng tôi bon bon trong trung tâm thành phố. Té ra thành phố Lai Châu chỉ có khoảng 28.000 dân, nhỉnh hơn dân số Phường 17 Quận Bình Thạnh TP.HCM đôi chút.

Từ khách sạn nhìn xuống trung tâm thành phố chìm trong bóng hoàng hôn với cây xanh, hồ nước, mây và núi, giống như 1 bức tranh sơn thuỷ hữu tình, tôi chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó:

Hoàng hôn dần khuất núi
Mây cúi xuống nhìn theo
Nắng muộn màng tiếc nuối
Vương sợi nhớ lưng đèo


Theo lịch thì 2 cha của đoàn chúng tôi sẽ dâng thánh lễ cùng giáo dân Lai Châu vào lúc 19 giờ, vì thế anh chị em tắm rửa rũ bụi đường thật nhanh để xuống xe đi vào nhà xứ. Vừa chuẩn bị lên xe thì Cha chánh xứ Phêrô Phan Kim Huấn (đang đi Thường huấn tại Toà Giám Mục Hưng Hoá – Sơn Tây) điện cho tôi và anh Quyền là công an thông báo không được phép dâng lễ. Một chút ngỡ ngàng và hụt hẫng. Tuy nhiên đoàn vẫn lên xe vào nhà nguyện Duy Phong của giáo xứ.


Vừa xuống xe, chúng tôi chứng kiến đông đảo giáo dân ăn mặc thật đep đang háo hức chờ tham dự thánh lễ. Khi nghe thông báo thánh lễ bị huỷ bỏ, nét mặt ai nấy buồn bả và tiếc nuối. Tuy thế, họ vẫn vào nhà nguyện để đọc kinh và cầu nguyện. Ôi thương và đau vô cùng.

Sau khi dùng cơm tối, Ban Hành Giáo đưa chúng tôi đi uống cà phê tại quán Tam Đường Tea nằm trên đỉnh Nùng Nàng với độ cao 1.000m so với mực nước biển, được đánh giá là quán cà phê đẹp nhất vùng Tây Bắc. Ngồi nhâm nhi ly cà phê với giá bằng quán bậc trung của thành phố nhưng lại được ngắm cả thành phố Lai Châu huyền ảo về đêm thật không gì thú vị bằng.

Thành phố Lai Châu về đêm nhìn từ đỉnh Nùng Nàng
Cà phê Tam Đường trên đỉnh Nùng Nàng
Tâm sự
Tôi bổng như nghe văng vẳng hình như có cô gái H’Mong nào đó cất tiếng hát:

“… Phố núi… thành phố tình yêu bồng bềnh mây bay quanh phố, con đường… thênh thanh rộng mở, ngỡ ngàng nhà mái dựng xây, xin mời về Lai Châu đắm say, trong tiếng khèn, điệu xòe thương… nhau Phố núi.. thành phố tình yêu bồng bềnh mây bay quanh phố, con đường...thênh thanh rộng mở, ngỡ ngàng nhà mới dựng xây, xin mời về Lai Châu đắm say, dệt khúc tình ca trong thơ. Ơi! Lai Châu thành phố đẹp như mơ.” (Lai Châu – Thành phố tình yêu).

Tiếng hát đó theo tôi vào giấc ngủ trong cái tĩnh lặng của thành phố núi và mây.

“Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ hai.” (Sáng Thế Ký)

DEO GRATIAS